Nhà văn Đoàn Tuấn có thời gian từng làm công tác chăm sóc thương binh và hoàn thiện thông tin cho những đồng đội vừa nằm xuống. Trong tiểu thuyết mới tái bản "Mùa chinh chiến ấy" viết về số phận những người lính ở biên giới Tây Nam và chiến trường K bên Campuchia, theo ông, đó là một cách để ông tri ân đồng đội của mình. Viết về những người cùng thời cũng là để thế hệ sau biết thêm về lịch sử bi tráng và hào hùng in dấu lên số phận những con người cụ thể.
Tháng 7 đã có thêm nhiều ngôi mộ mới được quy tập, an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Mặc dù nhiều bộ hài cốt vẫn còn chưa xác định đầy đủ thông tin nhưng nhiều gia đình có thân nhân là liệt sĩ cảm thấy ấm lòng và yên tâm hơn.
Những cơn mưa rừng tháng 7 không ngăn được bước chân của những cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ trở lại Vị Xuyên, Hà Giang - nơi cách đây hàng chục năm có những hôm chỉ trong 1 ngày Sư đoàn 356 ra trận và 600 người không trở về.
Ông Trần Mạnh Hùng, Cựu chiến binh Sư đoàn 314, cho biết: "Chúng tôi về đây tri ân những đồng đội mình đã ngã xuống nhiều nhất và đông nhất trong ngày 12/7. Còn gần 2.000 liệt sĩ nữa chưa tìm thấy để đưa về nghĩa trang quốc gia. Đó là điều trăn trở nhất của những người đã từng chiến đấu ở đây".
Gần nửa thế kỷ XX, người Việt Nam phải cầm súng để giành lại độc lập và bảo vệ Tổ quốc mình. Hàng triệu người đã ngã xuống suốt dọc dài đất nước từ Bắc vào Nam, hàng trăm ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng tiễn con đi để rồi khắc khoải ngóng trông từng thông tin về liệt sĩ. Những mất mát ấy không thể đong đếm. Chăm sóc người công chính là bổn phận, là trách nhiệm chưa bao giờ ngưng nghỉ của các thế hệ sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!