Chính sách phát triển giáo dục mầm non
Có hiệu lực từ ngày 01/11/2020, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ban hành ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non bao gồm:
- Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non.
- Chính sách đối với trẻ em.
- Chính sách đối với giáo viên mầm non.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt
Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/09/2020 của Chính phủ, từ ngày 15/11/2020, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.
Chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế
* Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới:
- Huy chương Vàng hoặc giải Nhất: 55 triệu đồng.
- Huy chương Bạc hoặc giải Nhì: 35 triệu đồng.
- Huy chương Đồng hoặc giải Ba: 25 triệu đồng
- Giải khuyến khích: 10 triệu đồng.
* Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á:
- Huy chương Vàng: 35 triệu đồng.
- Huy chương Bạc: 25 triệu đồng.
- Huy chương Đồng: 10 triệu đồng.
- Khuyến khích: 8 triệu đồng.
* Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á:
- Huy chương Vàng: 25 triệu đồng.
- Huy chương Bạc: 10 triệu đồng.
- Huy chương Đồng: 8 triệu đồng.
- Khuyến khích: 5 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này:
- Giải Nhất: 4 triệu đồng.
- Giải Nhì: 2 triệu đồng.
- Giải Ba: 1 triệu đồng.
Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định 106/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 quy định cụ thể 2 căn cứ xác định vị trí việc làm và 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc.
Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng
Có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, Nghị định 107/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/09/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Nghị định, bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và TP.HCM, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.
Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và TP.HCM có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng.
Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11
Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.
Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người.
Phạt đến 200 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Nghị định quy định:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Từ 1/11, không phê bình học sinh trước trường, lớp
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, từ 1/11/2020, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.
11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa
Theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học gồm:
1- Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
2- Tiêu Bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo.
3- Hoạt động dạy và học.
4- Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.
5- Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên.
6- Đội ngũ nhân viên.
7- Người học và hoạt động hỗ trợ người học.
8- Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu.
9- Quản lý triển khai chương trình đào tạo;
10 - Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
11- Kết quả đầu ra.
Chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm
Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm có hiệu lực từ ngày 20/11/2020. Theo đó, chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường cao đẳng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD&ĐT được quy định như sau:
- Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính).
- Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.
Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.
- Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính).
Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!