10/12 là Ngày Nhân quyền thế giới. Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền có 47 quốc gia thành viên. Việc ứng cử hội đồng nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện mong muốn đóng góp của Việt Nam vào thúc đẩy thế giới đảm bảo các quyền con người trong toàn bộ hệ thống của LHQ.
Chỉ số phát triển con người ở Việt Nam thuộc nhóm tăng cao nhất thế giới, gần 46% trong giai đoạn 1990-2019. Theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam tăng 11 bậc so với năm 2019.
Các chuyên gia LHQ nhận định, chỉ số của Việt Nam tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội.
Ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhiều người biết đến anh Nguyễn Văn Hải là người mở lối thoát nghèo. 5 năm trước, anh Hải lập HTX rau xanh, huy động bà con làm nông nghiệp sạch. Làm cùng bà con, thay đổi cách nghĩ về làm nông nghiệp, đến nay, mỗi năm hợp tác xã của anh thu được 5.000 tấn rau củ quả, doanh thu 15 tỷ đồng.
Đời sống của đồng bào Mông, đồng bào Thái đã khấm khá hơn. Nhìn trên cả nước, đời sống đi lên, các tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được bổ sung và nâng lên.
Là nước đang phát triển, Việt Nam kiên trì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo hướng tới phát triển bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo gần 10% năm 2015 giảm xuống 2,7% năm 2020. Thu nhập của người nghèo cũng tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều chính là nhằm bảo đảm tốt hơn, toàn diện hơn quyền con người được quy định trong Hiến pháp.
Là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, Việt Nam đang là điểm sáng trong thúc đẩy những quyền rất cơ bản của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!