Chuyện "những mảnh đời" tảo hôn

Đỗ Hòa, Quang Hải-Thứ tư, ngày 29/03/2023 12:20 GMT+7

VTV.vn - Mỗi lát cắt rất nhỏ trong cuộc sống của những người đã làm vợ, làm mẹ trong những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi toát lên thực trạng với những buồn lo và cả hệ lụy.

"Cô dâu" chạy trốn

Trong cuộc nói chuyện với cô bé về cuộc hôn nhân mới có danh mà chưa đủ phận vào năm 2022 vì thiếu tuổi, ngập ngừng thành nước mắt. Cô bé chọn bỏ đi, rời khỏi câu chuyện của mình. Thế nhưng, đó không phải cuộc chạy trốn duy nhất.

Mọi thông tin về Phương - cô bé cưới chồng và sinh con khi mới 16 tuổi đang ở đâu - rối như tơ khi người nói gà, kẻ bảo vịt, dù đó là hàng xóm sát nhà hay chính ông nội và cũng là bố nuôi. Mớ tơ vò chỉ được gỡ khi sau hơn 4 tiếng tìm và hỏi, phóng viên gặp được cô dâu trẻ để hiểu bằng một cách nào đó, việc hỏi thăm của nhóm phóng viên về trường hợp tảo hôn bỗng biến thành tin đồn bắt bớ vô hình.

Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 1.
Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 2.

Nỗi sợ đi qua, cái hồn nhiên của người vợ, người mẹ nhưng cũng là đứa trẻ chưa tròn 17 tuổi lại về trong câu chuyện yêu và cưới. Người vợ, người mẹ trẻ này kể, dù mẹ không đồng ý chuyện hai vợ chồng yêu nhau nhưng lúc đó em đã có bầu nên cả hai về sống với nhau.

Gia đình tảo hôn: Vợ một nơi, chồng một nẻo?

Tâm lý ngại ngần, thậm chí là lo sợ vô căn cứ của các trường hợp tảo hôn khi phóng viên tìm gặp cũng xuất phát từ thực tế các trường hợp này đều bị xử phạt hành chính vì đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Nhiều trường hợp không được chính quyền địa phương cho phép về sống chung. Tuy nhiên, với các trường hợp đã có con, họ sẽ chịu phạt rồi chung sống để đợi tuổi đăng ký kết hôn. Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc vợ chồng sum vầy khi về chung một nhà.

Bữa cơm của người mẹ 17 tuổi cùng gia đình đông người, nhưng vắng bố đứa trẻ. Người chồng 19 tuổi đi làm xa, cho một bấu víu và cả một hy vọng về kinh tế của gia đình, khi tiền nộp phạt tảo hôn lẫn tiền sinh đẻ đều đã phải đi vay mượn.

Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 3.
Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 4.

Yêu là cưới. Nhưng cưới rồi sẽ ở cùng nhau? Câu trả lời là "không" cho tất cả những trường hợp tảo hôn mà nhóm phóng viên gặp được.

Thùy là trường hợp tảo hôn mà nhóm phóng viên vô tình gặp được khi đi tìm Phương. Làm nan trong rừng từ sáng đến trưa, để đứa con mới 4 tháng tuổi ở nhà là cách người mẹ trẻ này trang trải cuộc sống khi chờ tiền từ người chồng đi làm xa.

Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 5.

Trắng tay khi cưới, trắng cả kế hoạch và dự định tương lai, những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn này trắng cả cách tô màu cho cuộc hôn nhân sum vầy.

Tảo hôn không chỉ còn là hủ tục

Theo số liệu của UBND huyện Quan Sơn, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện này là 3,98% trong năm 2022. Số liệu này có xu hướng giảm so với các năm trước đó, dù vẫn cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, đáng nói, theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh này có diễn biến trái chiều trong những năm gần đây, khi giảm từ hơn 4% vào năm 2016 xuống còn chưa đến 1% vào năm 2020. Đến năm 2022, tỷ lệ tảo hôn lại tăng lên 2,21%. Đối tượng tảo hôn vẫn tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, song, tính chất của các trường hợp tảo hôn cũng đang dần thay đổi.

Nỗi lo cho những đứa trẻ

Kết hôn rồi làm cha, làm mẹ khi chưa đến tuổi theo quy định của pháp luật đã kéo theo rất nhiều khó khăn trong đời sống của các trường hợp tảo hôn cả về sức khỏe, tâm lý cũng như đời sống tinh thần lẫn vật chất. Cuộc sống không chỉ khó khăn, vất vả cho những ông bố, bà mẹ trẻ ấy mà còn ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ được sinh ra bởi những ông bố, bà mẹ chưa đủ tuổi vị thành niên.

Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 6.
Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 7.

Làm mẹ ở tuổi 18, bỡ ngỡ là điều hẳn nhiên. Nhưng Kiều may mắn và con của em cũng may mắn vì có mẹ, có bà ở bên.

Vậy nhưng, không phải người mẹ trẻ nào cũng ổn dần lên. Được sinh ra khi mẹ mới 17 tuổi, ở với mẹ được 9 tháng rồi mẹ đi, đứa trẻ đến nay sắp tròn 2 tuổi phần lớn thời gian sống cùng cô năm nay cũng mới sắp tròn 17. Thương đứa trẻ nhỏ nhưng không dám trách cô bởi thật khó để bắt một người cô chưa bước sang tuổi thành niên chu toàn cả việc nhà, lẫn việc chăm nuôi một em bé vắng cha, xa mẹ.

Tảo hôn: Tuyên truyền và nhận thức

Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong cả nước, đặc biệt là ở các địa bàn vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Đề án vẫn đang tiếp tục được thực hiện, dù chắc chắn còn nhiều khó khăn phía trước.

Chuyện những mảnh đời tảo hôn - Ảnh 8.

Cái oi nồng của đợt nóng cao điểm đầu tiên trong năm không giúp hội trường nhà văn hóa xã Trung Hạ thêm náo nhiệt. Những câu hỏi phần đa rơi vào im lặng. Dù tuyên truyền khó nhưng không do đó mà buông bởi mưa dầm thì thấm lâu, nước chảy đá mòn. Đã có những đổi thay từ những người làm cha, làm mẹ từng kết hôn sớm trước đây.

Ngoài tuyên truyền, hỗ trợ phát triển kinh tế, thay đổi nhận thức cuộc sống của người dân cũng đang là những nỗ lực từng bước để chuyện kết hôn không là nỗi lo sớm hay muộn, mà sẽ là hạnh phúc, ấm no khi về chung một nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước