Bỏ xóm lên rừng là câu chuyện của gia đình bà Nông Thị Chiến - hộ chăn nuôi lớn nhất ở xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Nhờ được tạo điều kiện 2 lần vay vốn chính sách, bà đầu tư mua con giống và gây dựng trang trại. Nếu ở dưới thôn đất ít chỉ nuôi nhốt được vài ba con bò thì trên mảnh vườn rừng này có thể nuôi thả cả trăm con bò và dê. Mỗi năm, bò, dê xuất chuồng đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Nhiều mô hình sinh kế giảm nghèo đang được linh hoạt áp dụng tại các huyện khó khăn. Ông Đinh Văn Ròng là người đầu tiên ở xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, thử nghiệm trồng nho hạt đen. Ban đầu, ông Ròng chỉ trồng thử 40 gốc, sau khi cho quả, ông mở rộng vườn gấp 10 lần. Được giúp đỡ vay 100 triệu đồng vốn chính sách để đầu tư, ông tự tin chỉ 2 năm mảnh vườn này sẽ thu hồi vốn.
Để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn, các địa phương đã bố trí 50.000 tỷ đồng ngân sách cho vay hộ nghèo, cận nghèo và đã thoát nghèo để phát triển kinh tế thông hệ thống tín dụng chính sách.
Một hướng giảm nghèo bền vững mà các huyện đặc biệt khó khăn đang triển khai đó là phát triển các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị cao phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng tại từng thôn bản... Như tại xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng khi nơi đây trở thành vùng chuyên canh cây trúc sào với đầu ra ổn định thì không còn hiện tượng người dân để đất hoang hay bán ruộng mà thay vào đó là bạt ngàn trúc sào.
74 huyện đặc biệt khó khăn trên cả nước đang được Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư qua các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn chính sách xã hội. Chính phủ đã đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế cho các vùng khó khăn thông qua hơn 346.000 tỷ đồng vốn chính sách xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!