Xếp hàng mua nước tại Đăk R'lar
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến Tây Nguyên. Đây là đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên. Tại đây, hạn hán đã làm giảm 20% - 25% lượng mưa.
Nước vo gạo tận dụng để rửa rau.
Cùng với đó, tình trạng mất rừng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thiếu nước của hệ thống thủy lợi. Trong những ngày giữa thàng 4 này, tình trạng thiếu nước đang hiện rõ nhất ở vùng Đăk R'La, của huyện Đăk Min, tỉnh Đăk Nông.
Cứ mỗi khi bước vào mùa khô, các gia đình ở thôn 2, thôn 3 và một bộ phận thôn 5, xã Đắk R'la, huyện Đăk Mil lại lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nước ăn đã thiếu, nước phục vụ cho tưới tiêu, cho xây dựng lại càng thiếu hơn. Nhiều công trình đổ xong móng nhưng cũng đành phải dừng lại vì không có nước.
Công trình xây dựng cũng vừa làm vừa chờ nước.
Theo người dân nơi đây, mỗi thùng nước có dung tích 2,5m3 được mua với giá 200.000 đồng. Nhà nào có điều kiện, mỗi thùng nước có thể sử dụng tầm 3 ngày. Còn đa số đều phải tiết kiệm, sử dụng nước chắt chiu để đủ sinh hoạt từ 4-6 ngày.
Theo lãnh đạo UBND xã Đăk R'La, huyện Đăk Mil, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra trong nhiều năm nay. Cao điểm nhất là vào những tháng mùa khô. Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt là do các thôn này có địa hình cao, nằm xa nguồn nước.
Trong khi đó, cả xã chỉ có 1 công trình nước sạch tập trung ở thôn 7, do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Nông quản lý, vận hành, tuy nhiên chỉ đáp ứng cho khoảng 300 hộ trong tổng số 2.700 hộ dân của xã. Các khu vực còn lại người dân phải mua nước hoặc sử dụng nguồn nước giếng đào, nước suối không bảo đảm vệ sinh. Vì thế cứ vào mùa khô thì điệp khúc thiếu nước lại lặp lại.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông về tình hình cấp nước sinh hoạt nông thôn mùa khô năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 250 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn nhưng chỉ có 79 công trình đang hoạt động, chiếm 31,6%. Trong số 79 công trình đang hoạt động, chỉ có 45 công trình là hoạt động bền vững; 21 công trình trung bình, và 13 công trình kém hiệu quả. Còn lại, là 171 công trình không hoạt động, chiếm 68,4%.
Cơ quan chức năng của tỉnh Đăk Nông dự báo, thời gian tới, các địa phương sẽ gặp khó khăn về nguồn nước là huyện Đăk Mil (khoảng 1.050 hộ, tương đương hơn 5.000 nhân khẩu); huyện Krông Nô (khoảng 440 hộ, tương đương 220 nhân khẩu); huyện Đăk Glong (hơn 600 hộ với gần 2.500 nhân khẩu) và huyện Cư Jut (hơn 300 hộ, tương đương khoảng 1.200 nhân khẩu).
Công trình nước sạch: Đầu tư tiền tỷ xong… "đắp chiếu"
Trong gần 15 năm qua, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng hơn 250 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với chi phí hàng trăm tỷ đồng. Nhưng đến nay, rất nhiều công trình không phát huy hiệu quả.
Tại công trình nước sạch nằm trên đỉnh đồi Đắk Nút thuộc khu tái định cư B, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, bên trong khuôn viên khu xử lý nước là hai ngôi nhà điều hành nhưng không có người trông coi.
Công trình nước sạch này có vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng; trong đó, riêng trạm xử lý nước với hệ thống bơm, giếng khoan, đài nước, trị giá hơn 6 tỷ đồng. Thế nhưng từ khi hoàn thành xây dựng năm 2015 đến nay, công trình chưa một lần được đưa vào sử dụng.
Vì không được đưa vào sử dụng nên nhiều thiết bị điện của nhà máy hiện đã bị xuống cấp, vỡ nát hoặc bị hỏng hóc nghiêm trọng. Theo thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004 đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh có 258 công trình được đầu tư xây dựng. Trong đó, tổng mức đầu tư của 245 công trình gần 375 tỷ đồng còn 13 công trình không xác định được mức đầu tư.
Nhiều công trình nước sạch tiền tỷ đang "đắp chiếu".
Còn theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, thời gian qua, các ngành chức năng đã có các kiến nghị khắc phục tình trạng các công trình nước sạch nhưng các chủ đầu tư, UBND các xã được bàn giao công trình không có kinh nghiệm quản lý, vận hành, dẫn đến tình trạng các công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng bị hư hỏng, không hoạt động, gây thất thoát, lãng phí Ngân sách Nhà nước.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Nông, các công trình cấp nước được đầu tư từ nhiều nguồn của dự án do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, có nhiều đơn vị không hề có chuyên môn, đầu tư không bảo đảm quy trình. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần họp đánh giá tổng thể, bàn giải pháp khắc phục.
Như vậy, sau cả chục năm, 3/4 số công trình nước sạch vùng nông thôn được đầu tư bài bản ở tỉnh Đắk Nông đang có cơ hội được xử lý hoặc khôi phục hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn, đồng thời tránh lãng phí ngân sách Nhà nước cũng như tiền đóng góp của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!