Còn đúng 1 tuần nữa là đến Rằm tháng Giêng. Vào ngày này, người Việt ta có thói quen lên chùa cúng dâng sao giải hạn. Trong khi đó, dịch bệnh còn đang phức tạp ở nhiều nơi, việc tụ tập đông người có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Bài viết sau đây có thể mang đến một cái nhìn khác và đưa ra cách làm đúng đắn trong việc thực hiện tín ngưỡng này.
10 người khi được hỏi thì 7-8 người thừa nhận rằng ngay sau Tết, việc không thể thiếu đối với họ vẫn là phải dâng sao giải hạn, không nhiều thì ít phải sắm lễ để cúng sao, giải hạn.
Những quầy hàng mã trước và sau Tết luôn sẵn sàng cung cấp cho khách hàng mọi thứ để dâng sao giải hạn. Khách hàng được hướng dẫn tận tình. Vậy là ai cũng nghe theo rồi làm theo.
Những người ngại đến chợ, ở nhà cũng dễ dàng thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn. Các dịch vụ dâng sao giải hạn không chỉ sắm sửa lễ vật thay cho gia chủ và giao đến tận nhà mà còn sẵn sàng giải hạn thay. Tất nhiên, chủ nhà phải chuyển một khoản tiền không hề rẻ vào tài khoản của phía làm dịch vụ.
Tốn kém là chuyện được nói nhiều xung quanh tập tục dâng sao giải hạn đầu năm. Đáng ngại hơn, nếu ồ ạt đến các chùa xin dâng sao giải hạn giữa lúc COVID-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay thì quả thực là điều rất đáng ngại.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dâng sao giải hạn tồn tại lâu đời trong dân gian Việt Nam thực chất ảnh hưởng từ Trung Quốc chứ hoàn toàn không phải là của Phật giáo. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, trước mỗi dịp Tết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều yêu cầu các chùa chỉ làm lễ cầu an chứ không dâng sao giải hạn. Đặc biệt vào lúc này, để phòng ngừa COVID-19, các cơ sở thờ tự của Phật giáo đều khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!