“Đau đầu” vi phạm bản quyền hội họa

Nguyên Thảo, Tiến Tú-Thứ hai, ngày 16/11/2020 12:08 GMT+7

VTV.vn - Những bức tranh có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng có thể ở triển lãm ngày hôm nay, nhưng hôm sau đã nằm trên một con phố nào đó với số lượng lên đến hàng chục bản.

Nhức nhối tình trạng vi phạm bản quyền "dài tập" trong mỹ thuật

Sau hàng chục lần mở triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương không ít lần phải đối mặt với tình trạng tranh của mình bị làm giả, làm nhái. Một phần cũng do sự chủ quan của họa sĩ khi nghĩ rằng bản quyền mỹ thuật là điều không cần thiết.

"Mình không bao giờ nghĩ có việc ăn cắp tranh, bởi vì bình thường chỉ thấy người ta ăn cắp xe máy hay là vật chất nó hữu hình thôi. Lúc đầu thấy hơi sốc" - họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

Sốc và bức xúc là tình trạng chung của hầu hết các họa sĩ khi bản thân là nạn nhân của vi phạm bản quyền hội họa. Hiện nay, không khó để nhìn thấy các bức tranh giống nhau được bày bán công khai ngoài thị trường. Đây là điều dễ hiểu bởi dịch vụ sao chép tranh đang ngày càng phát triển. Họ thường vẽ theo nhu cầu khách hàng và hoàn toàn không để ý đến bản quyền tác giả của các bức tranh đó.

“Đau đầu” vi phạm bản quyền hội họa - Ảnh 1.

Anh Đinh Văn Thành - người sao chép tranh - cho biết: "Người ta tìm trên mạng xong in ra và lại gửi qua mạng để mình chép lại. Vì đây là công việc kiếm cơm của mình nên thường mình ít để ý bức tranh ấy có bản quyền hay không. Có những bức cũng thấy chữ ký ở dưới nhưng mình cũng không tìm hiểu đấy là của họa sĩ nào và có bản quyền hay không".

Giá thành của những bức tranh chép dao động từ 1-2 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với bức tranh thật. Vì vậy, người mua tranh cũng nhắm mắt làm ngơ để có thể sở hữu một bức tranh đẹp mà không tốn quá nhiều chi phí.

Những bất cập trong xử lý vi phạm bản quyền hội họa

Về lý thuyết, hành vi tự ý sao chép tranh không xin phép tác giả là vi phạm bản quyền và hoàn toàn có thể xử lý theo pháp luật. Chế tài cũng đã được quy định rất rõ trong Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam.

- Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng, đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm; cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Tuy nhiên để áp dụng luật vào thực tế lại là chuyện khác. Vướng mắc đầu tiên lại xuất phát từ chính các họa sĩ tác giả khi họ còn ngại ngùng hoặc chưa ý thức đúng việc phải chủ động bảo vệ sản phẩm của mình.

Khi chính họa sĩ còn thờ ơ với bản quyền

Trong hội nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" do họa sĩ Bùi Trọng Dư sáng lập ra, hàng tháng thậm chí là hàng tuần đều xuất hiện những bài đăng về các vụ việc tranh giả, tranh sao chép. Không thiếu những lời kêu cứu của các họa sĩ đã có sự hồi đáp từ bên vi phạm, nhưng vẫn còn đó sự bất lực, buông xuôi.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết: "Có thể là vài tuần hoặc hàng tuần một vụ. Nếu một nghệ sĩ chỉ ăn với đi kiện thôi thì gần như chẳng làm việc được gì cả. Nó như tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, cứ làm xong rồi lại xin lỗi như thế hết sức mệt mỏi".

Một thực tế cho thấy, chính các họa sĩ đã chủ quan khi nghĩ rằng tác phẩm của mình vốn đã được bảo hộ ngay từ khi sinh ra.

"Theo như mình được biết, Công ước Berne cho rằng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả ngay từ khi có ý tưởng và trong quá trình ra đời chứ không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức hay đơn vị nào. Trong giới rất nhiều họa sĩ lười đi đăng ký bản quyền. Một năm có thể vẽ hàng trăm tác phẩm, nếu như tác phẩm nào cũng phải đưa lên Cục đăng ký bản quyền cũng rất phiền hà và mất thì giờ" - họa sĩ Bùi Trọng Dư nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước