Từ năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chính thức không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT cho hệ 9+. Hoạt động này sẽ phải chuyển về các Trung tâm Giáo dục thường xuyên quản lý.
Quy định mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhanh chóng được các đơn vị triển khai thực hiện, tuy nhiên, lại xuất hiện không ít bất cập. Thực tế, tại nhiều trường nghề, việc dạy văn hóa vẫn do nhà trường đảm nhiệm, việc quản lý của Trung tâm giáo dục thường xuyên mặc dù có nhưng chỉ là trên danh nghĩa.
Tiết Hóa học của học sinh hệ 9+ Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp vẫn được dạy tại khoa cơ bản của trường. Vẫn thời khóa biểu 7 môn theo chương trình giáo dục thường xuyên, vẫn đội ngũ 40 thầy cô giáo của trường nhưng điểm khác duy nhất là việc quản lý hoạt động này giờ thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Chất lượng đào tạo không đổi, việc phải thông qua thêm một đơn vị khác thay vì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo như trước, gây ra sự chồng chéo, mất thời gian trong quản lý.
Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp đang đào tạo khoảng 1.500 học sinh hệ 9+. Con số này cao hơn gấp nhiều lần so với số lượng học sinh 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên trực tiếp giảng dạy và quản lý.
Có thể thấy, việc liên kết với một trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo văn hóa chỉ là hình thức hợp thức hóa theo quy định hiện hành. Theo đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điều này đang gây lãng phí trong quá trình hoạt động.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề. Về vấn đề dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, các trường cũng mong muốn Bộ GD&ĐT có thể ban hành thông tư hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí đánh giá, cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động giảng dạy, tránh tình trạng dạy một nơi, quản lý một nẻo, làm giảm hiệu quả hoạt động đào tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!