Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thang máy Việt Nam" được tổ chức sáng 13/7 tại Hà Nội, là sự kiện đầu tiên để các bên thảo luận những vấn đề quan trọng, đề xuất tham mưu chính sách giải quyết "nút thắt" cho ngành thang máy Việt Nam.
Đây là sự kiện đầu tiên của ngành thang máy do Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức.
Ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam nêu 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để giúp ngành thang máy Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn chung để bứt phá. Trong đó, vấn đề then chốt, quan trọng và mang tính chiến lược của nhóm 4 vấn đề đã đưa ra là bàn về thực trạng, giải pháp, định hướng để phát triển nguồn lực con người cho ngành thang máy.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Lê Văn Thanh đánh giá cao Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam".
Đây là hoạt động hết sức thiết thực nhằm hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7/2022, được Liên hợp quốc lấy thông điệp "Hãy biến đổi kỹ năng thanh niên cho tương lai" làm chủ đề trong bối cảnh đang diễn ra những nỗ lực chung cùng hướng tới phục hồi kinh tế xã hội từ đại dịch COVID-19, giải quyết các thách thức chung của thế giới hiện nay như biến đổi khí hậu, xung đột, nghèo đói, gia tăng bất bình đẳng, công nghệ thay đổi nhanh chóng… và các thách thức khác.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Lê Văn Thanh
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, Hiệp hội Thang máy Việt Nam tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, phối hợp tham vấn, đề xuất đối với các cơ quan chức năng về hoạch định chính sách, quản lý nhà nước nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với công tác đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe lao động lĩnh vực thang máy, thang cuốn. Đây là cơ sở để trình Chính phủ cập nhật, bổ sung, loại bỏ một số công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe người lao động yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH cũng nêu thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của nước ta so với khối ASEAN (số liệu 2010): Bằng 1/30 lần NSLĐ của Singapore; 29% NSLĐ của Thái Lan; 13% của Malaysia… Những con số này sẽ là những sự cảnh báo để ngành thang máy Việt Nam thấy được cần phải làm gì để NSLĐ của nhân lực ngành này sẽ không rơi vào tình trạng nói trên.
Ông Trường nhấn mạnh, muốn tăng NSLĐ cần tạo nên hệ sinh thái phát triển kỹ năng nghề, bao gồm 6 trụ cột: Khung trình độ kỹ năng nghề Quốc gia; chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia; học tập suốt đời; hệ thống đánh giá, cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tuyển dụng và sử dụng dựa vào kỹ năng nghề; nguồn tài chính. Trong đó, chuẩn hóa kỹ năng nghề quốc gia là việc cấp thiết đối với ngành thang máy. Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn đề này đối với ngành thang máy hiện còn đang bị "bỏ ngỏ". Rõ ràng chúng ta đang thiếu một chuẩn mực về trình độ kỹ năng và đạo đức đối với nhân lực ngành thang máy.
Bên cạnh đó, Luật Việc làm và Nghị định 31/2015/NĐ-CP có quy định rõ về những công việc có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động hoặc cộng đồng, nặng nhọc, độc hại,… yêu cầu cần có Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Tại sao đặc thù của công việc ngành thang máy có những tính chất tương đồng nhưng lại chưa áp dụng?
Với số lượng thang máy được lắp đặt mới khoảng 10.000 thang/năm nên thị trường lao động cần khoảng 1.500 kỹ thuật viên lắp đặt và 12.000 kỹ thuật viên bảo trì thang máy. TS. Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, chiến lược đào tạo này không chỉ đáp ứng nhu cầu cung ứng nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động trong nước mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!