Đảm bảo duy trì sản xuất và an toàn cho người lao động cũng đang là thách thức với TP Hồ Chí Minh vào thời điểm này. Hai hình thức mà thành phố đặt ra với doanh nghiệp là phương châm "3 tại chỗ": sản xuất - ăn - ở tại chỗ, và "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân.
Các doanh nghiệp khối sản xuất đang làm gì để thích ứng với điều kiện mới này?
Người lao động Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp. Ảnh: NLĐ
Khoảng hơn 1 tháng nay, công ty sản xuất Thuốc Thú y thủy sản giảm hơn 50% nhân công đứng tại dây chuyền và xây khu cách ly có phòng y tế cho công nhân để ứng phó tình huống khẩn cấp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, để tổ chức thành công phương án này, ổn định tâm lý cho công nhân là bước đi đầu tiên.
Hiện những doanh nghiệp bố trí được khu lưu trú quy mô lớn đang có những bước đi tiếp theo để tăng chế độ cho công nhân, giữ vững dây chuyền sản xuất. Kinh nghiệm này cũng giúp ích cho doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất linh hoạt và bền vững.
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ có hơn 50% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là doanh nghiệp quy mô hàng ngàn lao động trở lên nên vẫn gặp khó khăn trong công tác tổ chức lưu trú tại chỗ, chủ yếu do thiếu mặt bằng, thiếu cơ sở vật chất.
Hiện có mối liên hệ với nơi ở của công nhân đang phân tán rộng, từ đó dẫn đến nguy cơ rất cao lây nhiễm từ nơi ở của công nhân vào nơi sản xuất và ngược lại. Vì vậy, bố trí phương án sản xuất theo tình hình là bước đi quan trọng góp phần giảm nguy cơ đối với khu vực sản xuất. Doanh nghiệp cần căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn phương án an toàn và hiệu quả nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!