Trước một số ý kiến băn khoăn về các đối tượng như chuyên gia hay lao động thuộc khu vực biên giới có thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc xác định các đối tượng đã được thể hiện rõ ngay trong tên của dự thảo luật này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần chú ý rằng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật là những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn các chuyên gia đi làm việc ở các nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau, không phải quy định theo Luật này.
Cho rằng việc Luật ra đời sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường lao động, tuy nhiên, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, dự thảo luật cần hướng đến việc tăng cường năng lực cho lao động Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng lao động phải có kỹ năng, có đào tạo vì vậy nên đi theo hướng đẩy mạnh doanh nghiệp để người ta tham gia sâu vào lĩnh vực này và chính doanh nghiệp phải tự cạnh tranh nhau" - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Đối với Việt Nam, bố trí việc làm rất tốt, phù hợp. Đối với lao động nước ngoài cần cân nhắc, cố gắng đưa lực lượng này sang với tư cách chuyên gia, lao động chất lượng cao, đúng tầm với hình ảnh Việt Nam".
Cũng tại phiên họp, một số đại biểu cũng quan tâm tới Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định để Quỹ này phát huy hiệu quả trên thực tế.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Theo tôi nên rà soát quy định, các mục tiêu cần thiết của Quỹ hỗ trợ việc làm tránh trùng lắp với nhiệm vụ của doanh nghiệp và của ngành. Trong Quỹ này nên gói gọn giải quyết các trường hợp rủi ro, phức tạp trong hợp đồng lao động".
"Trong trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, các vấn đề dịch bệnh phải đưa người lao động về nước thì thủ tục trình tự như thế nào đảm bảo thực chất, nhanh chóng, có thể giúp cho người lao động hiệu quả, thiết thực thì trong văn bản hướng dẫn phải làm rõ" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Hoàng Thanh Tùng - nhấn mạnh.
Cùng ngày, Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!