Sau 10 năm, Hà Nội vẫn xử lý rác theo kiểu "đi vào lòng đất"
Rác thải chất đống, bốc mùi tại nhiều con phố, Hà Nội vừa trải qua một đợt khủng hoảng mới về rác thải khi mà người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay và là lần thứ 15 trong những năm qua người dân địa phương ngăn cản xe vào bãi rác Nam Sơn vì ô nhiễm và vì chính quyền thành phố Hà Nội nhiều lần hứa giải quyết các nguyện vọng của người dân, nhưng chưa thực hiện thỏa đáng.
Đối với dự án di dân khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 500m tính từ hàng rào bãi rác, diện tích khoảng 396ha. Tiến độ tính đến đầu tháng 10, về phần đất nông nghiệp, cơ bản đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ xong đối với xã Nam Sơn, xã Hồng Kỳ, riêng xã Bắc Sơn khoảng 55 ha chưa thực hiện. Đối với đất ở, xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã kiểm đếm xong; xã Bắc Sơn còn 60 hộ chưa đồng ý kiểm đếm.
Tờ Văn hóa cho biết bãi rác Nam Sơn tiếp nhận khoảng 5.000 tấn/ngày. Đến thời điểm này, bãi rác có nguy cơ quá tải lượng rác và nước rỉ rác do khối lượng rác tiếp nhận đang vượt công suất thiết kế. Và nếu không có những biện pháp nhanh chóng giải quyết việc đền bù, di dời các hộ dân xung quanh bãi rác Nam Sơn, tình trạng bãi rác Nam Sơn tiếp tục thành "con tin" và rác ùn ứ tại nội thành là điều không thể tránh khỏi.
Báo điện tử Dân trí nhắc lại, từ năm 2010, xử lý rác ở Nam Sơn được đánh giá là mang tính "tiên phong" của cả nước. Thế nhưng, sau 10 năm, Hà Nội vẫn tiên phong xử lý rác theo kiểu "đi vào lòng đất" tức là chôn lấp. Và đến giờ, cả 4-5 dự án xử lý rác được kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT vẫn đang ì ạch. Tờ báo bình luận đã 3 đời chủ tịch thành phố rồi, nay hy vọng chuyện rác không đi vào ngõ cụt.
Vì sao đi vào ngõ cụt? Nguyên nhân chính ở đây, theo tờ Tiền phong, là một số người dân tiếp tục kiến nghị về chính sách đền bù trong phạm vi bị ảnh hưởng.
Cải tạo, xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác
Tại thời điểm này, dù cho cơn "khủng hoảng" rác của Hà Nội đã tạm chấm dứt, đã có cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền với người dân. Tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường, đây chỉ là tạm thời. Để không có việc rác thải chất đống vì bị chặn thì Hà Nội cần có những biện pháp đồng bộ, mang tính lâu dài và bền vững.
Sẽ cần đầu tư để có thêm các hình thức xử lý rác khác, tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, chứ không chỉ đơn giản là xử lý theo kiểu đi vào lòng đất.
Cũng chính tờ Lao động, một tờ báo có chuỗi bài viết về vấn đề này trong tuần dẫn lời các chuyên gia, thúc giục về việc đẩy nhanh tiến độ của các dự án điện rác Hà Nội cần có thêm những giải pháp như phân loại rác tại nguồn, xây dựng khu đốt rác như nước ngoài, cải tạo và xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác khác.
Chôn lấp là cách xử lý rác đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể, nếu không xử lý tốt, không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm khi rác phân hủy.
Và nếu tiến hành được điều đó thì có lẽ, những bức ảnh về người dân lái xe máy bằng 1 tay cũng sẽ xuất hiện ít hơn trên báo chí. Bởi dù đã đeo khẩu trang, nhưng khi đi ngang các đống rác chất đống trên đường phố thì họ thường phải dùng 1 tay để bịt mũi bởi thứ mùi không thể chịu nổi.
Người dân lái xe máy bằng 1 tay khi đi ngang các đống rác chất đống trên đường phố
Diễn biến mới nhất, cuối tuần qua, lãnh đạo Thành ủy đã có cuộc đối thoại với gần 100 người dân bị ảnh hưởng từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Nhiều giải pháp được hứa hẹn.
Đầu năm tới, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và mong rằng chính quyền có những biện pháp quyết liệt cả trước mắt lẫn lâu dài để không tái diễn cái gọi là "khủng hoảng rác".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!