Dừng test nhanh, tối ưu hóa xét nghiệm PCR - chiến lược giúp kiểm soát COVID-19

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/08/2020 19:09 GMT+7

VTV.vn - Chiến lược xét nghiệm sàng lọc COVID-19 của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã thay đổi khi dừng các hoạt động test nhanh và tối ưu hóa xét nghiệm PCR.

Sau thời gian thực hiện test nhanh để sàng lọc phát hiện COVID-19 trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành tại Việt Nam, kết quả xét nghiệm có trường hợp âm tính giả, dương tính giả, một số nơi nhận thấy hình thức sàng lọc này không phù hợp nên đã ngừng triển khai.

Đầu tháng 8, Bộ Y tế đã quyết định dừng xét nghiệm nhanh bằng mẫu máu và đẩy mạnh xét nghiệm PCR bằng cách lấy dịch hầu họng. Chiến lược mới đã được hướng tới và là biện pháp phù hợp trong bối cảnh cần khẩn trương, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, phát hiện chính xác các mối nguy trong cộng đồng để kiểm soát dịch bệnh, nhất là vùng tâm dịch Đà Nẵng.

Đà Nẵng đẩy mạnh xét nghiệm PCR diện rộng

Nhằm tăng cường năng lực lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, Đà Nẵng đã tăng cường các tổ công tác, đưa số nhân lực từ 80 tổ lên 100 tổ hoạt động liên tục trong ngày. Công tác lấy mẫu xét nghiệm đã diễn ra rất khẩn trương. Việc lấy mẫu cũng được yêu cầu thực hiện hoàn thành đối với mỗi khu vực xác định, không để kéo dài thời gian qua ngày.

Ông Hồ Hồng Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ đạo chung. Hiện nay công tác đã hoàn thành và người dân cũng rất phối hợp trong công tác thực hiện lấy mẫu này".

Dừng test nhanh, tối ưu hóa xét nghiệm PCR - chiến lược giúp kiểm soát COVID-19 - Ảnh 1.

Lấy mẫu sinh phẩm cho người dân vùng có nguy cơ cao tại Đà Nẵng để xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh: TTXVN)

Theo phương án xét nghiệm diện rộng, thành phố Đà Nẵng tập trung xét nghiệm tất cả nhóm nguy cơ cao. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thành phố đã ngừng toàn bộ việc sử dụng test nhanh, chỉ sử dụng xét nghiệm PCR để tầm soát các ca COVID-19. Bên cạnh đó, việc nâng công suất xét nghiệm được đặc biệt chú trọng.

Ông Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, cho biết: "Khả năng của CDC khoảng 4.000 - 4.500 mẫu. Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu 6.000 - 10.000 mẫu thì CDC sẽ cố gắng nâng công suất xét nghiệm; huy động sinh viên, kỹ thuật viên tự nguyện tham gia làm xét nghiệm.

Tại Quảng Nam, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không thực hiện test nhanh sàng lọc COVID-19 trong cộng đồng từ ngày 4/8 do thấy chưa phù hợp, tránh trường hợp người dân lo lắng, hoang mang khi nhận kết quả dương tính giả hoặc tạo tâm lý chủ quan khi kết quả âm tính giả, ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch.

Phương pháp xét nghiệm nhanh không dùng để khẳng định mắc bệnh COVID-19 vì bản chất của dùng để phát hiện kháng thể. Nếu làm xét nghiệm nhanh sớm quá thì chưa đủ kháng thể, có thể cho kết quả âm tính. Làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không. Làm muộn có thể cho kết quả dương tính, nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng khả năng ngăn ngừa lây lan bị trôi qua. Điều này dẫn đến hậu quả: Kết quả dương tính giả làm người dân lo lắng, hoang mang hoặc âm tính giả dẫn đến tâm lý chủ quan.

Ưu điểm của xét nghiệm nhanh là có thể xác định cơ thể đã có kháng thể kháng lại virus SARS-CoV-2 chưa nên có giá trị điều tra dịch tễ về tình hình dịch. Xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm PCR dương tính thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong vài ngày gần đây, thường là dưới 7 ngày và kháng thể chưa kịp hình thành trong máu.

Muốn ngăn chặn kịp thời COVID-19, muốn khoanh vùng, dập dịch triệt để, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: "Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm", việc sử dụng xét nghiệm nhanh không hề được khuyến khích. Sau những đợt bùng phát và lây nhiễm liên tục trên thế giới thời gian qua, nhiều quốc gia cũng đã nhận ra sự hạn chế của phương pháp xét nghiệm nhanh trong ngăn chặn COVID-19.

Nhiều nước dừng sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh

Bộ Y tế Philipines cho biết sẽ dừng sử dụng các bộ kit test nhanh để kiểm tra sàng lọc bệnh nhân mắc COVID-19. Người phát ngôn của Bộ Y tế Philipines Maria Vergeire cho biết đây là mục tiêu trong kế hoạch mới nhất nhằm ngăn chặn COVID-19.

Dừng test nhanh, tối ưu hóa xét nghiệm PCR - chiến lược giúp kiểm soát COVID-19 - Ảnh 3.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC của Mỹ cũng đưa ra thay đổi khuyến cáo không sử dụng chiến lược dựa vào test nhanh, đồng thời đề nghị các tổ chức y tế địa phương, tiểu bang nên thận trọng hơn trong việc sử dụng công nghệ phản ứng nhanh này.

Tiến sĩ Karen Landers, trợ lý y tế của bang Alabama trao đổi với FOX10 News rằng các xét nghiệm test nhanh cũng có giới hạn của chúng và khả năng cho kết quả âm tính giả cao hơn.

"Kit xét nghiệm này chỉ nên được sử dụng để giám sát và xác định xu hướng dịch tễ học khi dịch bùng phát mạnh tại một khu vực nào đó. Bây giờ test nhanh COVID-19 không hiệu quả nữa. Sử dụng kĩ thuật PCR sẽ hiệu quả hơn" - Tiến sĩ Karen Landers nói.

Indonesia mới đây cũng đã quyết định dừng các hoạt động test nhanh COVID-19 và tối ưu hóa xét nghiệm PCR, sau khi nước này không thể kiểm soát tốc độ lây lan COVID-19 trên khắp đất nước.

Chiến lược xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam

Đến nay, Việt Nam đã có 3 lần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Gần đây nhất, đối tượng xét nghiệm đã được mở rộng, đồng thời với việc tiếp tục xét nghiệm miễn dịch cộng đồng.

Để tăng tốc triển khai xét nghiệm bằng phương pháp tìm gene virus PCR, Bộ Y tế vừa công bố thêm 68 cơ sở, đưa tổng số đơn vị thực hiện xét nghiệm PCR thành 120 cơ sở. Sắp tới, có thể nâng lên 2.000 cơ sở đủ khả năng xét nghiệm.

Bộ Y tế cũng vừa ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm nhằm đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm sinh phẩm, hóa chất. Đây là phương pháp hiệu quả ở nơi cần xét nghiệm quy mô lớn như Hà Nội nhưng phải thường xuyên đánh giá để phù hợp với tình hình dịch.

Dừng test nhanh, tối ưu hóa xét nghiệm PCR - chiến lược giúp kiểm soát COVID-19 - Ảnh 4.

Ảnh: TTXVN

Để xét nghiệm miễn dịch cộng đồng, Việt Nam có sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh, lấy mẫu máu, sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác.

Đây là loại xét nghiệm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản để nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm tương tự mà nhiều nước đang sử dụng.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 Bộ Y tế ban hành hướng dẫn việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

VTV.vn - Hướng dẫn việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 là tài liệu được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước