Gần 9.500 viên chức nghỉ việc từ đầu năm 2021, Bộ Y tế đề xuất giải pháp

P.V-Chủ nhật, ngày 21/08/2022 10:43 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Y tế, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ, nhân viên y tế.

Thực trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc với số lượng không hề nhỏ đang là vấn đề nổi cộm của ngành Y tế trong thời gian gần đây. Tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt lực lượng phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực trạng này một lần nữa được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề cập đến tại Hội nghị 'Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững' đang diễn ra sáng nay (21/8).

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022, có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gồm: 8.692 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 775 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; trong đó có 2.989 bác sĩ, 2.907 điều dưỡng, 561 kỹ thuật y và 3.010 viên chức y tế khác.

Gần 9.500 viên chức nghỉ việc từ đầu năm 2021, Bộ Y tế đề xuất giải pháp - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ:

Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế hiện chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác.

Chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp với học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (các chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt...) để thu hút học viên, sinh viên giỏi vào học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi khi học xong được phục vụ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo trong hệ thống y tế. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêucầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Hệ thống tổ chức ngành y tế tại một số địa phương còn tồn tại các mô hình tổ chức hệ thống khác nhau ở một số lĩnh vực (y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số) dẫn đến một số bất cập trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai nhiệm vụ.

Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở (các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách Nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp), mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.

Mức lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp đã đành, việc thực hiện chi trả các phụ cấp phòng, chống dịch cho nhân viên y tế còn chậm hoặc chi trả không đầy đủ tại một số địa phương.

Bên cạnh đó là các yếu tố như môi trường làm việc có nơi, có lúc còn hạn chế; thiếu vật tư, thiết bị cần thiết thực hiện hoạt động chuyên môn; sức thu hút cao từ các cơ sở y tế tư nhân…Đặc biệt, do tác động tiêu cực của một số vụ việc vi phạm pháp luật thời gian qua trong mua sắm, đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại, lo lắng, hoang mang, nhụt chí của một bộ phận viên chức y tế. Từ đó dẫn đến xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực từ công sang tư, bỏ việc; lâu dài sẽ tác động đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống y tế và bảo đảm công bằng của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh.

Từ thực tế hiện nay, để khắc phục tình trạng viên chức y tế nghỉ việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất các giải pháp như sau:

- Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

- Công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

- Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

- Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước