Quan tâm đến thuốc phòng COVID-19, khẩu trang, nước sát khuẩn để phòng chống dịch, chị Hiền ở Hà Nội đã lên mạng tìm kiếm và đặt mua. Tuy nhiên, tiền giao đi mà chẳng thấy hàng về, chờ mãi và kiểm tra lại, chị mới biết đã bị lừa.
Sau khi bị lừa, chị Hiền mới biết đã truy cập vào trang web không an toàn, tức là không được bảo mật. Nếu trang web an toàn thông tin, sẽ có biểu tượng khoá bảo mật. Với những trang không bảo mật, người dùng sẽ rất dễ bị lừa, bị lấy cắp thông tin từ tên tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại để bán cho các dịch vụ nhà đất, làm đẹp, hay lừa đảo…
Trong đợt dịch này, Cục An toàn thông tin đã xóa khỏi hệ thống hơn 300 trang web giả mạo lừa đảo người dùng.
Không chỉ tràn lan các thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, nhiều kẻ xấu còn lập Facebook giả của các bệnh viện, của bác sĩ uy tín để quyên góp tiền, hiện vật cho phòng chống dịch nhưng lại yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã phải đưa ra cảnh báo khi có rất nhiều trang mạo danh nghĩa "ủng hộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ủng hộ tuyến đầu chống dịch".
Kẻ xấu còn mạo danh bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và yêu cầu phải mua thuốc theo chỉ định. Các loại được yêu cầu mua thường là thực phẩm chức năng. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ điều trị không được kê thực phẩm chức năng trong đơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ quyên góp vào các trang chính thức với tài khoản của bệnh viện, không truy cập vào các trang web không có biểu tượng an toàn và luôn gọi điện thoại cho người thân trước khi chuyển khoản…
Với các thiết bị phòng chống COVID-19 như máy thở, test thử nhanh COVID-19, bình oxy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ bởi không ít những trường hợp như trên đã xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!