Giảm sự tục tĩu online: Nhãn "người lớn" hay sự tự ý thức?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 19/09/2020 13:36 GMT+7

VTV.vn - Sau khi câu chuyện "Streamer - Tự do và trách nhiệm" được truyền tải, mới thấy sự tục tĩu đã quá phổ biến. Để giảm thiểu điều này, có lẽ là ý thức tự nâng cấp mà thôi.

Chắc chắn chúng ta không thể nói rằng: văng tục là điều bình thường, nhưng những từ ngữ tục tĩu luôn có ở mọi ngôn ngữ trên thế giới. Và có thể tin rằng, đa số chúng ta, trong những thời điểm nhất định, đều đã từng văng ra một số thứ trong vốn từ vựng này. Nhưng ai nói, nói với ai và trong hoàn cảnh nào là cả một vấn đề. Bởi trong thế giới những người đông đảo được quần chúng biết đến, không thể chia đặc quyền ngôn ngữ thành 2 nhóm: Streamer và những người nổi tiếng còn lại.

Giảm sự tục tĩu online: Nhãn người lớn hay sự tự ý thức? - Ảnh 1.

Người Việt dành trung bình hơn 400.000 giờ/ngày để xem livestream trò chơi điện tử. (Ảnh minh họa)

Thực trạng nói tục chửi bậy trên stream có lẽ là một trong những chủ đề khó thể hiện nhất khi đưa lên sóng. Bởi cùng lắm, khán giả chỉ có thể nghe được vài tiếng beep beep hoặc một tràng beep beep beep mà thôi. Nhưng nếu có người thân hay chơi game online, hoặc thích xem các buổi streaming bình luận game thì sẽ hiểu thứ ngôn ngữ mà những người thực hiện chương trình đang nói đến là gì.

Sau khi Chuyển động 24h đề cập đến câu chuyện ngôn ngữ của một số streamer hiện nay trongTiêu điểm trưa thứ 5 (17/9) vừa qua, Ban biên tập đã nhận được hàng chục ngàn tin nhắn từ những người quan tâm gửi đến. Một số ý kiến rất thiện chí và mang tính xây dựng, nhưng tiếc thay, đa phần lại thể hiện đúng những gì những người làm chương trình lo ngại – sự tục tĩu đã phổ biến quá mất rồi.

Đừng nhầm lẫn về mác 18+

Giảm sự tục tĩu online: Nhãn người lớn hay sự tự ý thức? - Ảnh 2.

Cảnh báo thế này có là đủ?

Giảm sự tục tĩu online: Nhãn người lớn hay sự tự ý thức? - Ảnh 3.

hay thế này?

Một số lập luận cho rằng streamer cũng đã có ý thức cảnh báo độ tuổi cho video của mình bằng việc nhắc nhở trong lúc bình luận. Và vì thế, việc giám sát trẻ em vào xem hoàn toàn là trách nhiệm của phụ huynh. Nhưng nói thế thì tội cho những ông bố bà mẹ quá!

Liệu có người nào từ cấp 2 trở lên không đòi truy cập Internet và để cho cha mẹ mình giám sát liên tục? Đặc biệt là ở thành thị, những học sinh tầm tuổi này còn mấy ai chưa có smartphone trong túi?

Chưa kể, theo thông tư mới của Bộ GD-ĐT vừa ban hành tuần này, học sinh THCS còn được phép dùng điện thoại di động cả trong giờ học, phục vụ việc học tập.

Mặt khác, chúng ta cũng đừng nhầm lẫn ý nghĩa của việc dán nhãn 18+. Bởi 18+ không có nghĩa là được quyền phơi bày bất cứ thứ gì được gọi là "của người lớn". Và chúng ta cần nhìn nhận 2 chiều trong việc gián nhãn.

Nhãn 18+ không chỉ để cảnh báo người xem mà quan trọng hơn là điều chỉnh và giám sát chính người đăng tải, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Đó là lý do vì sao, nhân viên rạp phim hay triển lãm thường phải hỏi tuổi và kiểm tra căn cước công dân của người xem với những sản phẩm có nhãn hạn chế độ tuổi.

Giảm sự tục tĩu online: Nhãn người lớn hay sự tự ý thức? - Ảnh 4.

Youtube có tính năng giới hạn độ tuổi người dùng

Còn trên MXH, ví dụ như Youtube, các công cụ giới hạn độ tuổi cũng có tồn tại, nếu người sử dụng thực sự muốn. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, nếu làm vậy thì Youtube sẽ tắt chế độ kiếm tiền. Và các nhà tài trợ cũng sẽ gào lên với streamer về lượng người xem sụt giảm. Suy cho cùng, phương pháp duy nhất chỉ còn cách là tự nâng cấp chính mình mà thôi.

Tín hiệu đáng mừng

Anh Hoàng Văn Khoa – người được cộng đồng mạng biết đến với tên PewPew, một trong số những streamer đình đám hiện nay, chia sẻ về chuyện văng tục: "Bản thân mình khi mới bắt đầu nghề này ý, nó cũng giống như một buổi nói chuyện thôi. Nhưng khi nhận được sự quan tâm của mọi người, thì mình nhận ra là nó phải thay đổi. Thứ nhất là tiết chế lại, thành hạn chế, và có giai đoạn những bạn làm nghề này rất viral (phổ biến – PV), thì mình phải bỏ hẳn. Mình có những sự thay đổi, không thể nào nói gì mình thích, nghĩ gì mình thích.

"Nó là một bài toán đánh đổi. Mình muốn được là chính mình rồi xã hội cứ nhìn mình thế này? Hay mình phải lùi lại một chút, để xã hội chấp nhận mình hơn? Mình muốn nghề của mình được ghi nhận, muốn có tương lai tốt cho nghề, thì mình phải thay đổi. Ở đây không phải thay đổi bản thân, mà thay đổi cho tốt hơn, cho phù hợp hơn".

Giảm sự tục tĩu online: Nhãn người lớn hay sự tự ý thức? - Ảnh 5.

Một điều khiến những người thực hiện chương trình Chuyển động 24h cảm thấy vui mừng, đó là ngay sau khi chủ đề này được phát sóng, một Streamer nổi tiếng đã có những lời chia sẻ chân thành với cộng đồng người hâm mộ.

Trong đó, anh khẳng định bản thân đang cải thiện từng ngày để nội dung các video trở nên chất lượng và tích cực hơn. Quan trọng cũng là lời nhắn nhủ với fan của Streamer này rằng hãy ứng xử văn minh để không làm xấu đi hình ảnh của cả cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước