Giãn cách nhưng không xa cách!

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 03/08/2021 13:33 GMT+7

VTV.vn - Những chính sách hỗ trợ có vai trò quyết định trong việc an sinh xã hội diện rộng ở thời điểm nhiều nơi phải giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.

TP Hồ Chí Minh trao "túi an sinh xã hội" cho người nghèo, công nhân ở trọ...

Bắt đầu từ sáng nay (3/8), TP Hồ Chí Minh đã thành lập 24 đoàn đi đến từng quận, huyện và TP Thủ Đức để trao "túi an sinh xã hội" cho người nghèo và công nhân ở trọ. Trước mắt là những phần quà cho các hộ nghèo không bị F1, F0 còn những hộ F0, F1 thì nhờ tổ COVID-19 cộng đồng chuyển những phần quà này đến với họ.

Giãn cách nhưng không xa cách! - Ảnh 1.

Những lao động có hoàn cảnh khó khăn được các đơn vị ban ngành tại TP Hồ Chí Minh chăm lo trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Báo Tin tức.

Túi an sinh này bao gồm: 10 kg gạo, mì gói và thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm, đường, thuốc men thông dụng, khẩu trang, típ C, đầu gió, thuốc hạ sốt… Từng địa phương có thể bổ sung thêm các mặt hàng như rau củ quả để có túi an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo, những công nhân lao động không về quê đang ở các khu nhà trọ. Mục tiêu Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh đặt ra trước mắt là cấp phát túi an sinh xã hội đến tận tay tất cả các hộ nghèo, không bỏ sót hộ nào. Đồng thời, đảm bảo cho hộ gia đình 2 - 4 người hoặc phòng trọ 4 người sử dụng trong 1 tuần.

TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm

Ở quy mô lớn và lâu dài hơn, TP Hồ Chí Minh cũng đã quyết định sẽ thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân ở 3 cấp gồm: cấp thành phố, cấp quận, huyện và cấp phường, xã. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh yêu cầu trong 2 tuần tới, các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tìm thêm phương án để tăng cường việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người dân thuộc địa bàn mình, đảm bảo từng đối tượng không bị bỏ sót. Trong đó, bao gồm cả các hộ gia đình không có hộ khẩu ở thành phố, nơi cư trú không ổn định.

Còn tại Hà Nội, người dân Thủ đô cũng đang trải qua những ngày giãn cách xã hội để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những khó khăn về đời sống, đặc biệt là của những hoàn cảnh nghèo khó là điều không tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Với tinh thần tương thân tương ái, giãn cách nhưng không xa cách, mô hình "Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" do Thành đoàn và Hội Sinh viên TP Hà Nội cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ đồng phối hợp với đơn vị doanh nghiệp đã được triển khai nhằm tiếp sức cho người lao động nghèo và sinh viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Giãn cách nhưng không xa cách! - Ảnh 2.

Các nhà hảo tâm chuẩn bị hàng tự chọn tại siêu thị 0 đồng tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm phục vụ người khó khăn trong khu vực. (Ảnh: TTXVN)

Mô hình siêu thị mini 0 đồng cho người khó khăn ở Hà Nội

Một gian hàng tuy nhỏ nhưng đầy đủ các sản phẩm thiết yếu được dựng lên tại khu vực sân của UBND phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm. Rau củ, gạo, nước mắm, bà Ngọc Anh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội lựa chọn mỗi loại một sản phẩm cho giỏ hàng của mình.

Nhiều no, ít đủ, số thực phẩm đồ dùng mua bằng 400.000 đồng phiếu quà tặng dù không phải là quá lớn nhưng với bà Ngọc Anh là đủ để qua cái khó trong những ngày giãn cách này. Trong khi đó, với ông Bình, 67 tuổi - nhận phiếu và đi mua đồ thay người mẹ 90 tuổi của mình, thì số thực phẩm, đồ dùng mua được còn là nghĩa tình.

Bà Ngọc Anh hay ông Bình là đại diện cho hơn 1.000 trường hợp khó khăn nhận được phiếu quà tặng của mô hình siêu thị mini 0 đồng do Thành đoàn Hà Nội đồng phối hợp các đơn vị thực hiện, với điểm đầu tiên được đặt tại phường Đức Thắng.

ng 2

Người dân lựa chọn hàng tại siêu thị 0 đồng ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh các điểm siêu thị trực tiếp, siêu thị mini 0 đồng sẽ có thêm hình thức online để hỗ trợ thuận lợi nhất cho nhiều đối tượng, đặc biệt là các đối tượng khó khăn nhưng đang ở trong khu vực phải cách ly. Dự kiến, mô hình siêu thị mini 0 đồng sẽ được triển khai với 25 điểm trên khắp Hà Nội và hỗ trợ cho 16.000 trường hợp.

Không chỉ những gói hỗ trợ ở cấp độ cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương mà ở cấp Trung ương, những chính sách hỗ trợ có vai trò quyết định trong việc an sinh xã hội ở diện rộng.

Từ ngày hôm qua (2/8), gói hỗ trợ tiền điện cũng đã chính thức có hiệu lực, với trị giá ước tính khoảng 2.500 tỉ đồng dành cho các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, với các mức giảm từ 10 - 15%. Thậm chí, giảm 100% cho các cơ sở cách ly y tế, áp dụng trong tháng 8 và tháng 9.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt, nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là tại những nơi đang thực hiện giãn cách.

Từ khóa chung cho những gói hỗ trợ này đó là "thiết yếu" bởi chúng đều trực diện và nhắm tới mọi đối tượng. Đặc biệt là những đối tượng yếu thế, khi thời gian dịch bệnh phải ở nhà nhiều hơn mà không có thu nhập thì nhẹ gánh áp lực tiền điện, tiền nước hay bất kỳ chi phí nào đều vô cùng quý giá.

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ gói hỗ trợ viễn thông

Chiều 2/8, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đã công bố gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trị giá 10.000 tỉ đồng, chính thức được triển khai trên toàn quốc.

Gói hỗ trợ này sẽ được áp dụng cho khách hàng trên toàn quốc với các giải pháp như: tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước. Ngoài ra, 3 nhà mạng lớn nhất hiện nay là Viettel, VNPT và Mobifone cũng có các kế hoạch hỗ trợ khác trong giai đoạn này.

Hiện tại cũng là thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới. Việc nâng gói cước, giảm giá thành sẽ khắc phục tốt tình trạng nghẽn mạng khi mà hàng triệu giáo viên, học sinh sẽ truy cập trong cùng thời điểm.

"Việc tăng 50% dung lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng sẽ là thách thức với các nhà mạng. Nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà mạng tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau COVID-19" - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói.

Gói hỗ trợ 10.000 tỉ đồng sẽ chính thức được triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước