Từ cuối năm 2022, hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke trên cả nước đã bị đình chỉ hoạt động, nguyên nhân chủ yếu do chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Tính đến nay, đã hơn nửa năm, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke vẫn đang loay hoay, xoay sở đáp ứng các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy, để có thể mở cửa trở lại.
Cơ sở kinh doanh karaoke của chị Thủy ở Hà Nội dừng hoạt động suốt 10 tháng qua vì không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong thời gian đó, chị Thủy đã 6 lần được các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy xuống kiểm tra nhưng chị cho biết, cứ sửa xong lỗi này… lại phát sinh lỗi khác.
Tháng 11/2022, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, trong đó có những quy định mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Tuy nhiên, theo nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke, một số quy định rất khó thực hiện.
Đó là không thể có diện tích nào để xây đủ trên 100 m3 nước cho các cơ sở 80m2 vì nếu đào âm dưới đất thì không được, nếu lên nóc nhà xây bể cũng không xong hoặc diện tích mặt bằng trên dưới 100m2 cần đảm bảo 2 thang thoát hiểm, nhưng với các nhà cao tầng có thang máy thì diện tích đất còn lại quá nhỏ để hoạt động kinh doanh…
Để mở một cơ sở kinh doanh karaoke, chủ đầu tư đã phải đầu tư hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ đồng. Nếu cơ sở hiện tại không đáp ứng được quy chuẩn phòng cháy chữa cháy mới, việc đầu tư một cơ sở khác gần như là không thể. Hơn nữa dừng hoạt động nhưng họ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Cuối tháng 5/2023, Thủ tướng đã giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL tháo gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh karaoke.
Hiện cả nước có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh karaoke, ước tính người dân và doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 75.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và quán bar.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!