Hành trình đưa rác về bờ, làm sạch biển của những ngư dân

Tùng Thư, Trọng Đức-Thứ tư, ngày 02/10/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Cơ sở phục hồi tài nguyên tại Bình Định giúp phân loại và tái chế rác nhựa, biến rác thải thành tài nguyên quý, góp phần bảo vệ môi trường.

Việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống khi đánh bắt trên biển thường dẫn đến một lượng rác nhựa lớn được thải ra từ các tàu cá. Trung bình, một tàu cá với 12 ngư dân hoạt động trong 20 ngày sẽ sản sinh ra khoảng 5 túi rác lớn. Điều này đã đặt ra một thách thức lớn cho việc bảo vệ môi trường biển, khi mà rác thải nhựa có thể dễ dàng bị vứt xuống biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngư dân tỉnh Bình Định đã bắt đầu thay đổi thói quen này bằng cách cam kết mang rác về bờ. Thuyền trưởng Phan Thanh Trưởng, người đã đi biển hơn 30 năm, chia sẻ rằng trước đây, ông chỉ gặp phải rác thải nhựa thưa thớt. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi rác thải ngày càng nhiều, làm nặng lưới đánh cá và khiến việc đánh bắt trở nên khó khăn hơn.

Để đảm bảo việc này diễn ra hiệu quả, ông thường nhắc nhở mọi người không được vứt rác xuống biển, mà phải gom lại vào túi đựng rác. Điều này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một hình ảnh tích cực cho ngư dân.

Ngoài rác thải sinh hoạt, ngư dân cũng gom cả rác vớt được trong quá trình đánh cá và những tấm lưới hỏng. Rác được giao cho cảng cá để xử lý, và thậm chí, họ còn sử dụng tiền thu được từ việc giao rác để mua bánh kẹo, tạo động lực cho mọi người tham gia tích cực hơn.

Yêu biển và trách nhiệm bảo vệ môi trường đã trở thành động lực mạnh mẽ cho ngư dân Bình Định. Mỗi chuyến tàu cập bến không chỉ chở đầy cá tôm mà còn mang theo cả những "tài nguyên" khác – rác thải nhựa, góp phần làm sạch biển và bảo vệ tương lai cho thế hệ sau.

Hành trình đưa rác về bờ, làm sạch biển của những ngư dân - Ảnh 1.

Cơ sở phục hồi tài nguyên với máy móc và thiết bị hiện đại

Phục hồi tài nguyên tại vựa rác thải

Bài toán phân loại rác chỉ có thể giải quyết triệt để khi thực hiện theo từng bước rõ ràng: thu gom rác, phân loại và tái chế. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc phân loại rác để có được nguyên liệu chuẩn cho tái chế. Để khắc phục vấn đề này, sáng kiến về Cơ sở phục hồi tài nguyên đã được triển khai, hoạt động như một "vựa ve chai" chuyên nghiệp, với máy móc và thiết bị hiện đại.

Tại một Cơ sở phục hồi tài nguyên, một kiện vật liệu nhựa vừa được thu gom từ rác sinh hoạt sẽ được chuyển tới Công ty Nhựa tái chế Duy Tân. Ông Trần Văn Tám, Phó Giám đốc Chuỗi cung ứng của công ty, cho biết chất lượng nguyên liệu từ rác thải trong nước đang đạt tiêu chuẩn. Nhờ vào việc phân loại sạch và đồng đều, cơ sở này đã tạo ra những lô nguyên liệu đầu tiên có giá trị.

Công nhân tại đây phải phân loại nhựa thành 7 loại khác nhau. Chị Trần Thị Vân, một công nhân, chia sẻ rằng sau khi được tập huấn, chị đã nắm rõ công việc của mình, từ việc tách chai nước cho đến các loại nhựa khác. Rác thải không còn bị bỏ đi hay chôn lấp, mà giờ đây có con đường trở thành tài nguyên trong kinh tế tuần hoàn.

Thực tế cho thấy, nếu không có quyết tâm từ địa phương, dự án có thể thất bại và mọi nỗ lực sẽ trở về con số không.

Từ 1/1/2025, cả nước sẽ triển khai Phân loại rác bắt buộc theo Luật Bảo vệ môi trường. Mỗi ngày càng gần mốc thời gian này, bài toán làm thế nào phân loại rác thành công càng cần nhiều lời giải cụ thể của mỗi địa phương. Mới đây thành phố Cần Thơ cũng thúc đẩy các vấn đề thu gom xử lý rác trên các kênh rạch.

Chưa có thống kê đầy đủ nhưng các chuyên gia đều nhận định ô nhiễm rác trên kênh rạch là vấn đề môi trường lớn nhất của thành phố Cần Thơ. Thành phố này hiện đang triển khai hệ thống dọn rác trên sông hiện đại có thể thu gom tới 50 tấn rác mỗi ngày. Hệ thống sau khi được bàn giao chính thức từ nhà tài trợ đang được TP CẩnThơ xây dựng đơn giá để đưa vào vận hành và quản lý. Song song với đó, để giảm thiểu rác trên kênh rạch, Cần Thơ cũng đang đẩy mạnh phân loại và thu gom tránh trường hợp vứt rác bừa bãi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước