Hệ lụy của việc thiếu giám sát trong khai thác cát sỏi

Quý Thông, Việt Anh-Thứ bảy, ngày 02/10/2021 21:03 GMT+7

VTV.vn - Siêu lợi nhuận, dễ lách luật, thiếu cơ chế giám sát, quản lý nên tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, cát sỏi lòng sông diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng tăng.

Bên cạnh Luật Khoáng sản đã có hiệu lực, để ngăn chặn, kiểm soát tốt hơn tình trạng này, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 23 quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố khi cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác sai quy định, lách luật vẫn đang diễn ra.

Hệ lụy của việc thiếu giám sát trong khai thác cát sỏi - Ảnh 1.

Sông Đà, con sông đi qua nhiều địa phương và là một trong những dòng sông lớn nhất khu vực phía Bắc.

Theo quy định, việc khai cát sỏi trên lòng sông chỉ được hoạt động từ 7h đến 17h - khung giờ ban ngày dễ dàng được quan sát và giám sát nhưng ở đây không tuân theo giờ giấc như vậy.

Tuyến sông Lô đoạn qua huyện Phù Ninh và Đoan Hùng là những điểm có số lượng phương tiện khai thác cát sỏi lớn. Từ tàu hút, tàu cuốc đến cẩu gầu múc dàn trận trên sông như 1 đại công trường, rất khó để phân biệt mốc giới, phao tiêu, biển báo điểm khai thác. Số lượng phương tiện và tên doanh nghiệp được cấp phép lại không công khai để người dân giám sát.

Hệ lụy của việc thiếu giám sát trong khai thác cát sỏi - Ảnh 2.

Một khối cát vàng hiện nay có giá giao động từ 270.000 - 300.000 đồng/khối. Nếu tính khối lượng khai thác ngoài khu vực cấp phép và ngoài giờ quy định, các doanh nghiệp thu về nhiều tỷ đồng. Số thu này rõ ràng không nằm trong sự quản lý của nhà nước nên thất thoát tiền thuế là khó tránh khỏi.

Là địa phương nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, tổng chiều dài vận tải đường sông lên tới 235km nên để kiểm soát được toàn bộ hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn luôn là một vấn đề khó khăn của các cấp quản lý. Các tàu hút cát có thể di chuyển nhanh chóng tại vùng giao thoa nhằm tránh cơ quan chức năng của tỉnh.

Luôn có những lý do để lý giải cho tình trạng khai thác cát sỏi sai quy định. Sai phạm nhìn thấy rõ, tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng chưa có doanh nghiệp hay cá nhân nào bị khởi tố, xử lý hình sự từ hoạt động khai thác cát sỏi trái phép hay làm sai quy định.

Hậu quả buông lỏng quản lý cát sỏi

Nhiều vướng mắc, khó khăn trong xử lý, chế tài chưa đủ răn đe khiến cát lòng sông ngày càng bị khai thác quá mức, bừa bãi. Hệ quả là nhiều hệ thống sông lớn ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, đe dọa cuộc sống của người dân. Những lòng sông nếu chậm được "giải cứu", cái giá phải trả sẽ là rất lớn.

Hệ lụy của việc thiếu giám sát trong khai thác cát sỏi - Ảnh 3.

Từ ngày 2/3 - 10/3 năm nay, tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, đã có gần 100 lồng cá của người dân hai bên bờ bị chết hoàn toàn. Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong kết luận của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân cá chết được xác định là do… thay đổi thời tiết. Với kết luận như vậy nhiều người dân chỉ biết cam chịu nhìn hàng tỷ đồng trôi theo dòng nước.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những thiệt hại về chăn nuôi của bà con nhân dân sống ven sống ảnh hưởng do hoạt động khai thác cát sỏi. Để giảm thiểu tình trạng này, nhà nước đã ban hành thêm rất nhiều quy định để gắn thêm trách nhiệm cho chính quyền cơ sở.

Theo đó, địa phương phải xác định được các vùng có nguy cơ sạt lở và không được cấp phép ở khu vực đó. Ngoài ra, doanh nghiệp xin cấp phép phải phải đánh giá được tác động đến lòng bờ sông. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng đúng như quy định.

Có thể thấy, đất canh tác ven sông của người dân nơi đây đang sạt lở quá nhanh vì chỉ dùng tay đã có thể tơi ra. Nếu ở đây vẫn còn tình trạng khai thác cát sỏi ven bờ, mỗi ngày, bờ bãi bị ăn vào 1m đến vài mét là khó tránh khỏi, như vậy việc có thể biến mất cả bãi bồi này sẽ không còn xa.

Hệ lụy của việc thiếu giám sát trong khai thác cát sỏi - Ảnh 4.

Hiện nay, Việt Nam có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép.

Ngoài tình trạng sạt lở mất đất sản xuất của người dân, việc bị thay đổi dòng chảy do khai thác cát sỏi quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, dẫn tới những hệ lụy khôn lường cả về xã hội và kinh tế.

Mỗi khi đến mùa mưa bão, có những địa phương bị sạt sụt hàng km đê là chuyện không hiếm, dẫn đến nguy cơ vỡ đê đe dọa đến đời sống của hàng vạn hộ dân.

Tình trạng sụt lún các công trình cầu cống trọng điểm cũng đã và đang diễn ra như tại cầu Đoan Hùng trên sông Lô, cầu Đuống trên sông Hồng là những ví dụ cụ thể rõ ràng nhất.

Hệ lụy của việc thiếu giám sát trong khai thác cát sỏi - Ảnh 5.

Trong quy định của nhà nước đối với các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông, khi cấp phép thăm dò và khai thác, ngoài việc tuân thủ pháp luật về khoáng sản, môi trường, còn phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông, không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép không hề sợ bị xử phạt là theo Luật Bảo vệ môi trường, khai thác cát, sỏi lòng sông mà không có giấy phép chỉ bị phạt từ 100 triệu đến 150 triệu đồng khi bị phát hiện vi phạm khai thác quá từ 50 m3 trở lên.

Trong khi đó, lợi nhuận có được từ việc khai thác trái phép lại có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi ngày. Lãi hàng tỷ đồng mà bị phạt có 150 triệu đồng (mức cao nhất) thì tất nhiên, cát tặc vẫn lộng hành dai dẳng là điều dễ hiểu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước