Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân vào khoảng đầu tháng 3.
Không biến chứng tim, phổi nhờ can thiệp kịp
Bác sĩ CKI Đoàn Quốc Anh, khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết vừa điều trị thành công cho bệnh nhân Đ.M.H. (87 tuổi, Đà Nẵng) bị tiểu đường, COVID-19 dẫn đến suy thận.
Trước 5 ngày nhập viện, ông H. sốt cao, chóng mặt, da khô, khát nước liên tục, đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng không gắt, buốt. Sau đó, ông sốt, ho có đờm, uống thuốc nhưng không khỏi nên gia đình đưa đi bệnh viện.
Kết quả chụp chiếu phim tại khu sàng lọc COVID-19 của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận người bệnh đã nhiễm SARS-CoV-2, bị tiểu đường type 2 nhưng không hay biết. Mức đường huyết tăng cao đến 767 mg/dL (mức đường huyết sau ăn dưới 180 mg/dL). Ngoài ra, bệnh nhân còn tổn thương thận cấp và đang diễn tiến nặng.
Người bệnh được bù nước điện giải, sử dụng insulin truyền tĩnh mạch ngay tại khoa Cấp cứu và hội chẩn với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường, khoa Nội Hô hấp để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Người bệnh được cách ly trong phòng riêng, hàng ngày có nhân viên y tế vào tiêm insulin, đo đường huyết; bác sĩ kiểm tra tim, phổi và nồng độ SARS-CoV-2.
Nhờ cấp cứu và điều trị tích cực suốt 24/7 với các bác sĩ đầu ngành khoa Hồi sức Cấp cứu, ông H. dần hồi phục, không biến chứng lên tim, phổi. Người bệnh không còn chóng mặt, đi tiểu bình thường, đường huyết ổn định, xét nghiệm COVID-19 âm tính nên được xuất viện. Để kiểm soát đường huyết, người bệnh được dặn dò tái khám định kỳ, tăng cường tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, hạn chế tinh bột…
Ngồi xoa bóp chân cho bệnh nhân, chị Đ.H.L. (con ông H.) bất ngờ khi biết ba mình bị cùng lúc tiểu đường với COVID-19. Chị cho biết, năm 2017, ông H. bị nhồi máu cơ tim nhưng không di chứng. Năm 2018, ông được mổ bắt cầu mạch vành. Từ thời điểm dịch bệnh căng thẳng đến nay, gia đình luôn hạn chế tiếp xúc tránh lây COVID-19 cho ông.
Người tiểu đường viêm phổi nguy cơ tử vong tăng 3 lần
Bác sĩ CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cảnh tỉnh: Việt Nam có hơn 5 triệu người bị tiểu đường, trong đó 50% trường hợp không biết mắc bệnh. Và khi phát hiện ra bệnh, có chưa tới 30% người được chẩn đoán điều trị tốt. Trong khi người bị tiểu đường dễ mắc các bệnh hô hấp do hệ miễn dịch suy yếu trước vi khuẩn, virus… Người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát đường huyết tốt thì lượng đường trong máu luôn tăng cao. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, khiến cơ thể dễ nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp, COVID-19…
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, cứ 30 giây trôi qua, thế giới lại có một người bị mất một chi do các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Đồng thời, đái tháo đường làm tăng nguy cơ viêm phổi từ 6% - 25%.
Viêm phổi ở người bệnh đái tháo đường có mức mức độ biến chứng cao, diễn tiến nặng suy hô hấp nhanh, điều trị khó khăn và kéo dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy người bị đái tháo đường viêm phổi có khả năng tử vong cao gấp 3 lần.
Đặc biệt, khi bị COVID-19 kết hợp với đường huyết cao, người bị tiểu đường dễ chuyển nặng, rơi vào cơn bão Cytokin, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), suy gan, suy thận, thần kinh…. Nhiều trường hợp phải thở máy, điều trị kéo dài 2-3 tháng. Các nhà nghiên cứu của Đại học Aberdeen (Anh) nhận định người bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong hơn 1,87 lần và khả năng phải chuyển vào khoa ICU cao 1,59 lần so với người không bị tiểu đường.
Tại Việt Nam, hơn 25% số bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19. Đồng thời, đa số người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.
Theo bác sĩ Ngân, người dân cần đi khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều chỉnh đường huyết ổn định. Với người bệnh đái tháo đường, cần kiểm soát đường huyết tốt và ổn định để giảm nguy cơ chuyển nặng và biến chứng. Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay chữa bệnh theo cách dân gian và tái khám định kỳ để kiểm tra da, sức khỏe tổng thể, chỉ số đường huyết. Tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất, tuần hoàn máu.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bị tiểu đường không nên kiêng khem quá mức dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, gây khó khăn trong điều trị. Thay vào đó, cần ăn uống đa dạng, cân bằng các loại thực phẩm theo lời dặn của bác sĩ để đảm bảo năng lượng cho hoạt động hàng ngày, vừa kiểm soát đường huyết. Cụ thể: hạn chế tinh bột (cơm, bún, phở…), thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn…), tăng cường nguồn acid béo không bão hòa (cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng…), rau xanh (rau cải, mướp, súp lơ xanh…) và trái cây ít ngọt (cam, sơ ri, mận, bưởi…). Ngoài ra, nên chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày) để tránh tăng đường huyết sau mỗi bữa.
Thông tin về bệnh đái tháo đường với những biến chứng hô hấp nguy hiểm và cách phòng ngừa hiệu quả sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Đái tháo đường nguy hiểm khi mắc bệnh hô hấp". Chương trình do Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của bác sĩ CKII Mã Thanh Phong - khoa Nội Tổng hợp, bác sĩ CKII Trần Thùy Ngân và bác sĩ CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết – Đái tháo đường…
Chương trình được phát sóng lúc 20h Thứ Năm ngày 9/3/2023 trên ứng dụng VTVgo, các fanpage Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Đài Truyền hình Việt Nam. Ngay lúc này quý độc giả có thể gửi câu hỏi tại bài viết để được chuyên gia giải đáp ngay trong chương trình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!