Việt Nam có hơn 2.000 con sông với độ dài trên 10km. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào để nước ta phát triển.
Bên cạnh lượng nước thải đô thị được xử lý còn thấp, các lĩnh vực khác như nước thải công nghiệp và nông nghiệp cũng chưa được xử lý hoàn toàn. Nhiều dòng sông đã và đang bị ô nhiễm, biến dạng và bị hủy hoại nghiêm trọng. Hơn 2.000 con sông này có nguy cơ trở thành "sông chết".
Từ nhánh chính sông Hồng đổ vào chỉ vài trăm mét nhưng cống Liên Mạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội trong nhiều năm nay không còn lấy được nước. Cỏ dại, gỉ sét là hậu quả tất yếu khi mực nước thực tế luôn thấp hơn cao trình thiết kế đến cả mét. Ngay cả trong ngày lấy nước đổ ải, mực nước cũng chỉ đạt 2,5m, trong khi yêu cầu phải là 3,77m.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: "Dân số của Đồng bằng sông Hồng vài chục năm trước là 6 triệu người, bây giờ đã là gần 30 triệu người. Số lượng người dùng nước nhiều, nền kinh tế phát triển. Con người và nền kinh tế đang sống nhờ sông nhưng chiếm đi không gian để dòng sông chảy".
Dòng sông Cầu thơ mộng đang "quằn quại giãy chết". (Ảnh: Dân trí)
Mực nước ngày một hạ thấp khi lòng sông ngày càng một trũng sâu bởi những vòi rồng của hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ở một số địa phương. Trong 20 năm trở lại đây, nước sông Hồng bình quân mỗi năm hạ đến 15cm. Dòng chính là sông mẹ cạn nước, những dòng sông con cũng ngừng chảy. Sông Nhuệ, một nhánh của sông Hồng, là một ví dụ.
Chúng ta đều biết nguyên tắc tất cả các dòng sông đều phải chảy. Để phục hồi một dòng sông, phải để sông có nguồn nước, vì vậy chỉ tập trung vào việc ngăn nguồn nước thải là không đủ. Các chuyên gia cho rằng, việc bảo tồn dòng sông là bảo tồn được hệ sinh thái từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất quan điểm bảo tồn sông Hương theo hướng này.
Sông Hương đã được bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái, không bê tông hóa, không bị phá vỡ cảnh quan. Sông Hương được quy hoạch theo định hướng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Bên cạnh sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng các địa phương trong việc quy hoạch, quản lý, khai thác bền vững các ác dòng sông, cần nhiều chế tài khả thi. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định bảo vệ môi trường nước sông trên cơ sở quản lý tổng hợp từ thượng lưu đến hạ lưu. Việc chồng chéo trong quản lý sẽ được giải quyết. Vấn đề là chúng ta cần nghiêm túc thực thi, qua đó việc bảo tồn và phát huy giá trị các dòng sông mới hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!