Hàng ngàn hộ dân nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa bão đến
Do biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết những năm qua có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật và ngày càng cực đoan.
Mùa mưa bão năm nay, 3 cơn bão đầu tiên cùng mưa lũ đã khiến các địa phương thiệt hại về người và hàng trăm tỷ đồng. Đã có 1 vài sự cố vỡ hồ đập nhỏ. Công tác đảm bảo an toàn hồ đập lại đặt ra bức thiết.
Trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có hơn 160 hồ đập - gần 30% số hồ đập hiện có bị xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ sạt lở, vỡ đập rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống ở hạ du.
Con đập Dạ Lam thuộc xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, được xây dựng năm 1986. Đập có dung tích khoảng 0,5 triệu m3. Qua các mùa mưa bão, đập bị hư hỏng nặng. Người dân đã phải đắp đá tạm thời ở chân đập, để ngăn vỡ đập, đảm bảo tạm thời cho khoảng 350 hộ dân của thôn Nam Thái, xã Thái Thủy.
Hồ Khe Xai, thuộc huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh được đắp bằng đất hơn 20 năm. Hồ có dung tích chứa trên 230 nghìn m3. Đợt mưa lớn đầu tháng 9 vừa qua đã làm cho thân đập bị sạt lở nhiều đoạn, đe dọa đến hơn 100 hộ dân phía sau lưng đập.
Trên địa bàn Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhiều hồ thủy lợi đắp bằng đất, đã sử dụng 30 đến 40 năm, nên nguy cơ vỡ đập là rất cao. Hàng ngàn hộ dân ở phía hạ du các con đập này luôn nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa bão đến.
Hiện nay, trong số hơn 7.000 hồ đập thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ trực tiếp quản lý 4 hồ đặc biệt và 9 hồ liên tỉnh. Còn lại là giao cho các tỉnh, huyện. Trong đó phần lớn là cấp huyện quản lý, chiếm tới 65%. Đáng lưu ý là nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý đảm bảo an toàn vẫn chưa triển khai, còn có tỷ lệ thấp.
Cụ thể, đến nay chỉ có 24% trong tổng số hồ chứa có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chỉ 23% số hồ có phương án bảo vệ; 13% số hồ được kiểm định an toàn; 16% số hồ có quy trình vận hành và chỉ 10% số hồ được lắp thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Xây dựng phương án bảo vệ đập, bảo vệ vùng hạ du
Trong hội nghị gần đây về quản lý an toàn đập, công trình thủy lợi vùng Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hầu hết các địa phương đều đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ nguồn lực để đầu tư nâng cấp, sữa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi gắn liền với việc đảm bảo chất lượng công trình.
Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có 6 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 3 hồ được sửa chữa nâng cấp là: Thanh Sơn, Vũng Mồ và Đập Làng, theo chương trình dự án WB8. Đến thời điểm này, các đập được nâng cấp đã cơ bản hoàn thành.
Những năm qua, trên địa bàn khu vực miền Trung phải gánh chịu nhiều cơn bão, lũ trong năm. Nên vấn đề an toàn hồ đập đang được các địa phương đặt lên hàng đầu, đặc biệt là các nơi vùng rốn lũ.
Mùa mưa bão năm nay đang đến gần với các tỉnh miền Trung, ngay từ lúc này, các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập không tích nước qua mức giới hạn cho phép và phải có quy chế phối hợp giữa các cấp, xây dựng phương án bảo vệ đập, bảo vệ vùng hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra trên địa bàn.
Hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước phòng chống lũ trong mùa mưa, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Hiện hệ thống hồ đập ở nước ta tạo nguồn nước tưới cho 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt và công nghiệp.
Việc đảm bảo nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp những công trình hư hỏng xuống cấp là yêu cầu quan trọng hàng đầu, nhưng bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiên theo phương châm "bốn tại chỗ", sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!