"Hóng tin trên mạng xã hội" - Một việc làm không sai trái nhưng luôn có một giá trị nào đó ẩn sâu sau lớp vỏ của mỗi thông tin chúng ta thấy. "Hóng tin" là chuyện bình thường, nhưng ta có đang tiếp cận đúng hướng để nhận ra giá trị hay không lại là vấn đề khác, hay việc hóng tin - trước tiên luôn ẩn chứa nhiều cạm bẫy khó lường.
Hiện tại, một TikToker đang phải đối mặt với vấn đề bạo hành nghiêm trọng. Những người trong cuộc đang làm gì? Ai đang bị bắt giữ? Khi nào được tại ngoại? Họ đang nghĩ gì, nói gì trên trang cá nhân của mình? Khi nào ra tòa? Kết quả phiên tòa ra sao? Từng diễn biến đang và sẽ được cập nhật chi tiết trên mạng xã hội. Câu chuyện được quan tâm vì nó mang lại lượng tương tác tốt.
Rất nhiều người quan tâm vì tò mò, và sự tò mò chính là gạch nối dẫn tới những cái bẫy. Chẳng hạn, chỉ ít ngày sau khi vụ việc nổi lên, một trang fanpage có tên và ảnh đại diện giống hệt nhân vật chính đã xuất hiện. Trang này kèm theo thông báo phải hoãn phiên live để lo ổn định chuyện gia đình. Cuối bài thông báo, một đường link sản phẩm xuất hiện, được cho là có giá tốt để bày tỏ lòng cảm kích đến khán giả đã ủng hộ.
Nhiều người sau khi đặt sản phẩm theo đường link đều bày tỏ đó là một cạm bẫy. "Mình cũng đặt những phát hiện ra giả, khi điện thoại xác nhận lại mình hủy, gì chứ mỹ phẩm đắp lên mặt thì thua á" - một nhân vật giấu mặt chia sẻ.
Như vậy, việc hóng tin không chỉ đơn thuần là theo dõi sự kiện mà còn cần cẩn trọng để không rơi vào những cái bẫy tinh vi được giăng sẵn.
"Hóng tin" - Thói quen nhiều cạm bẫy
Mỗi ngày dành vài giờ để hóng hớt trên mạng xã hội, không ít người thừa nhận rằng họ đã trở thành "nghiện" drama. Phụ thuộc vào tin tức trên mạng đến mức cuộc sống bị xáo trộn là thực trạng không hiếm gặp.
Một người chia sẻ: "Thỉnh thoảng mải xem nhiều quá, tôi phải chạy deadline, lúc sau mới tỉnh ra rằng mình phải làm việc thôi." Một nhân viên khác cũng cho biết: "Công ty tôi cũng toàn gen Z bàn tán sôi nổi nên sếp cũng nhắc nhở nhẹ".
Tin tức tiêu cực thường nhận được sự chú ý lớn nhưng cũng kéo theo những tác động tiêu cực. Các trang thông tin mạng xã hội ý thức rõ điều này và cố gắng cân đối liều lượng thông tin tiêu cực mà họ đưa ra.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc nội dung công ty truyền thông, cho biết: "Khi hóng tin tức, mình biết người dùng mạng xã hội thích những tin tiêu cực. Để giảm lượng tin tiêu cực liên quan đến bạo lực, chúng tôi hạn chế đăng tải. Ví dụ, nếu 1 ngày xảy ra 5-7 vụ, chúng tôi chỉ đăng 2 vụ thôi. Những vụ này thường có các comment trái chiều, đôi khi nạn nhân lại trở thành chủ đề bàn tán và bị gán với những tội danh phi lý".
Hóng drama trên mạng xã hội có vẻ không đem lại lợi ích gì, mà chỉ rước họa vào thân. Điều này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu bị những kẻ xấu lợi dụng.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét: "Những người hóng drama thường muốn thấy sự xấu hổ của người khác để tự chữa lành cho mình. Họ nghĩ rằng nếu người nổi tiếng còn bị, thì mình vẫn còn may mắn. Những kẻ lừa đảo biết lợi dụng tâm lý này để trục lợi bản thân. Cần có tư duy phản biện, nhưng không phải lúc nào lên mạng cũng có thể phản biện được. Mạng xã hội luôn biết cách khai thác điểm yếu tâm lý của chúng ta".
Việc tỉnh táo và kiểm chứng thông tin trước những tin đồn tiêu cực lan truyền là hết sức cần thiết. Đừng vì những cái like, share, hay "chấm hóng" hăng say trên mạng ảo mà đẩy những điều không có thật đi quá xa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thật của bản thân và người khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!