Kiên Giang: Xâm chiếm khu bảo tồn, tàn phá nơi ở của sếu đầu đỏ quý hiếm

Đặng Công - Nguyên Du (VTV9)Cập nhật 09:19 ngày 04/06/2019

VTV.vn - Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang là một trong hai nơi loài sếu đầu đỏ quý hiếm về trú ngụ, nhưng giờ đây nơi ở của sếu đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Sếu đầu đỏ là loài chim đặc biệt quý hiếm của thế giới. Ở nước ta, sếu đầu đỏ còn có một tên gọi khác là hạc. Chúng ta có thể thấy hình dáng con sếu ở đền hoặc chùa. Nơi nào có sếu về chứng tỏ ở đó thiên nhiên vẫn còn hoang sơ và trong lành. Ở ĐBSCL, có hai nơi có sếu về trú ngụ mỗi năm, đó là Vườn quốc gia Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp và Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ ở tỉnh Kiên Giang.

Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ được tỉnh Kiên Giang thành lập vào tháng 7/2016. Trong đó, diện tích vùng lõi là khoảng 940ha. Đây là nơi có hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú gồm các loài như: năn, cỏ bàng, tràm, được xem là vùng sinh cảnh sống trong lành, lý tưởng của loài sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm nằm trong danh sách các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ, năm 2018, đàn sếu đầu đỏ về trú ngụ tại đây với số lượng khoảng 100 con. Tháng 4/2019, trên đồng cỏ bàng đã có trên 50 con sếu đầu đỏ về trú ngụ. Tuy nhiên, hiện khu bảo tồn đã bị xâm phạm nghiêm trọng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Gần 1km rừng tràm tái sinh trong khu bảo tồn đã bị chặt phá. Trong khi vụ việc vẫn chưa được giải quyết, ở đây lại xuất hiện thêm nhiều hình thức phá hoại khác. Theo Ban quản lý khu bảo tồn, rừng bị cháy là do người dân bên ngoài vào đốt. Từ đầu mùa khô 2019 đến nay, rừng và đồng cỏ trong khu bảo tồn đã bị đốt cháy hàng chục lần. Sau khi chặt tràm, đốt rừng, người dân đưa máy cày vào vỡ đất để làm ruộng. Ai không có máy thì đào mương, phân lô xí phần để dành.

Đến hết tháng 5/2019, có khoảng 60ha rừng và đồng cỏ trong vùng lõi của khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ bị biến thành đồng ruộng. Hiện khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ đã bị 100 hộ dân lấn chiếm khoảng 60ha trong vùng lõi rộng 940ha cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, chưa có đối tượng nào bị cơ quan chức năng xử lý. Lý do là vì khu bảo tồn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Dự kiến, vào cuối năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang sẽ tham mưu và cấp xong quyền sử dụng đất cho Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương di dời những hộ lấn chiếm đất ra bên ngoài, trả lại nơi ở cho loài sếu đầu đỏ quý hiếm.


Nguy cơ bị xóa xổ hiển hiện từng ngày ở Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ Nguy cơ bị xóa xổ hiển hiện từng ngày ở Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ

VTV.vn - Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ đang bị người dân phá rừng, lấn chiếm đất từng ngày, thực trạng này đang là vấn đề khiến ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đau đầu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.