Năm 2014, chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận, gần 13.000ha bị nhiễm bệnh đốm nâu, chiếm một nửa diện tích trồng thanh long của toàn tỉnh. Năm 2015, gần 8.000ha nhiễm bệnh. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho 1ha thanh long ban đầu có thể lên tới 350 triệu đồng. Để thu hoạch lứa trái đầu tiên, nông dân phải chờ đợi 2 - 3 năm. Tuy nhiên, nếu thanh long bị đốm nâu thì giá 1kg trái có thể giảm từ 20.000 đồng xuống chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng, thậm chí phải đổ bỏ.
Anh Trịnh Anh Hào, xã Hàm Linh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho biết: "Bà con mình có câu "Có bệnh thì vái tứ phương", nghe ai nói cái gì cũng mua về phun xịt, không trúng bệnh này thì trúng bệnh kia, từ đó đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật".
Bệnh đốm nâu đã thực sự đem đến sự ảm đạm cho các vườn thanh long nhưng lại tạo cơ hội ăn nên làm ra cho những cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2015, tổng cộng có 75 loại thuốc trừ bệnh và 48 loại thuốc trừ sâu đã được phun xịt trên các vùng thanh long Bình Thuận. Như vậy, so với năm 2014, gần 40 loại thuốc trừ sâu và trừ bệnh mới đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn có 11 loại thuốc kích thích sinh trưởng và rất nhiều phân bón lá có chứa chất điều hòa sinh trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!