Lời nhắn gửi tương lai của thế hệ cha anh: Hòa bình khó lắm, có được cố mà giữ lấy…

Minh Phương, Thảo Nguyên, Tuần Linh, Nguyễn Nga, Quỳnh Nga-Thứ hai, ngày 27/07/2020 17:28 GMT+7

VTV.vn - Để có được độc lập, hòa bình như ngày nay là biết bao hi sinh mất mát của rất nhiều gia đình trên suốt dải đất hình chữ S.

Hôm nay, 27/7 ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày khơi dậy trong chúng ta ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc.

Có những lá thư được viết để lại ngay trước giờ hi sinh, có những sự hi sinh nhưng ý chí chiến đấu và tinh thần quả cảm thì vẫn còn bất diệt.

Ký ức tự mổ bụng ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Đất Mẹ nghèo nuôi những anh hùng và đất Mẹ nghèo sinh ra những người hùng từ tấm bé. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - nơi có một không hai trên thế giới, đã chứng kiến sự quả cảm, hi sinh của những chiến sĩ nhí.

Đà Lạt - thành phố nhỏ được nhiều người lựa chọn gửi gắm một thời thanh xuân, một thời tuổi trẻ. Những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi - có người sinh ra ở đây, có người không sinh ra ở đây, nhưng một phần tuổi thơ lại nằm trong Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Lời nhắn gửi tương lai của thế hệ cha anh: Hòa bình khó lắm, có được cố mà giữ lấy… - Ảnh 1.

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Hơn 40 năm về trước, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt có tên gọi là "Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt". Trung tâm như một biệt thự chữ A, tọa lạc trên một đồi thông yên bình như bao ngọn đồi khác ở Đà Lạt.

Tất cả vẻ bề ngoài và những thông tin công khai về Trung tâm do chế độ cũ dựng lên cố tình che giấu một sự thật lịch sử đặc biệt. Thực chất, đây chính là nhà tù giam giữ hơn 600 thiếu nhi yêu nước hầu hết ở lứa tuổi 14 - 16, người nhỏ nhất là 10 tuổi, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.

Cách đây 40 năm, cột cờ thường trực treo cờ của chính quyền Sài Gòn. Mỗi sáng đầu tuần, địch ép anh chị em phải tập trung tại sân để chào cờ và hát quốc ca. Ai chào cờ sẽ được khoan hồng, cho ăn cho mặc còn không chào cờ, là chống đối, là không thừa nhận chế độ.

Bà Nguyễn Thị Phải - cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - kể lại, nhiều anh chị em kiên quyết không ra sân chào cờ thì bị tra tấn dã man, sau đó giam trong xà lim.

Có thể nói, sân cờ là ranh giới thể hiện rõ nhất cuộc đấu tranh của hai bên, những giằng xé khốc liệt nội tâm, ý chí ngoan cường của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.

Chiều 21/11/1971, máu đã nhuộm đỏ khoảng sân này trong sự kiện lịch sử đặc biệt. Đó chính là sự kiện tự mổ bụng chống đàn áp của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Có 9 người xung phong mổ nhưng chỉ có 5 người được chọn trực tiếp thực hiện.

Những người mổ bụng mặc sẵn đồ trắng vì màu trắng máu ra nhiều sẽ tạo ra hình ảnh ghê sợ, được uống nhiều nước để máu loãng ra.

Được hướng dẫn từ nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa…các anh đều thống nhất mổ nhanh về phía bên phải vì phía bên phải là ruột già.

Tháng 6/1973, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt hoàn toàn bị xóa sổ.

Người lính an ninh hi sinh trước giờ toàn thắng

Đã là người Việt Nam, có lẽ ai cũng nhớ khoảnh khắc này. Khoảnh khắc chấm dứt cuộc chiến tranh dài đằng đẵng của dân tộc - ngày 30/4/1975. Tuy nhiên, có những người lính không chờ được giây phút ấy. Họ hi sinh trước giờ thống nhất, trước khi có cơ hội được trở về nhà... Đó là câu chuyện của Đại úy Nông Văn Hưởng, người đã hi sinh buổi sáng ngày 29/4/1975 khi hàng trăm quả đạn pháo 130 ly dội xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày ấy, trở về từ Pháp, sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ông tham gia trong ban bảo vệ an ninh tại Trại Davis. Nơi được lập ra để đảm bảo thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

Rạng sáng 29/4/1975, hỏa tiễn của quân ta dồn dập dội xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng chí Hưởng được giao nhiệm vụ chụp ảnh các đơn vị chiến đấu của quân ngụy đang vội vã tháo chạy.

Chỉ 1 ngày sau đó, trại Davis trở thành nơi đầu tiên có lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên bầu trời. Vài tiếng sau, Sài Gòn giải phóng. Trải qua 823 ngày đêm hoạt động công khai, kiên cường giữa trung tâm đầu não của kẻ địch, phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác an ninh. Vậy mà, sĩ quan an ninh - đại úy Nông Văn Hưởng đã không chờ được giây phút thắng lợi lịch sử này.

Hòa bình lập lại, liệt sĩ Nông Văn Hưởng được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ngày hôm nay, gia đình, những người đồng đội xưa và cả những chiến sĩ công an tỉnh về thăm ông.

50 năm, 100 năm hoặc xa hơn nữa, dù thời gian có làm cho mái tóc bạc đầu, bước chân không vững thì hình ảnh những anh hùng, liệt sĩ vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chiến tranh, bom mìn, có lẽ không nơi nào trên thế giới những vết thương chiến tranh hằn rõ như ở Việt Nam. Nhưng cũng ở đó, nhân loại ghi tạc chân dung những anh hùng.

Lời nhắn gửi tương lai của thế hệ cha anh: Hòa bình khó lắm, có được cố mà giữ lấy… - Ảnh 2.

Gần 1,2 triệu liệt sỹ đã nằm lại vì sự bình yên của Tổ quốc. Gần 130.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động cùng gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh - tất cả đã làm nên đất nước hôm nay.

Đám cưới muộn của 2 liệt sĩ

Đất nước hôm nay cũng đang từng ngày hàn gắn những vết thương ở lại. Một đám cưới đã được tổ chức cho những người đã khuất, cho hai liệt sĩ mãi nằm lại ở miền biên viễn năm 1979.

Mùa xuân của năm 1979, tại mảnh đất Pò Hèn, tỉnh Quảng Ninh, cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã có những ước hẹn đôi lứa với chàng chiến sĩ biên phòng Bùi Văn Lượng.

Ngày cưới đã hẹn, khi chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ diễn ra, Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra vào ngày 17/2/1979. Trong hồi ức của đồng đội, Hồng Chiêm khi ấy sát cánh bên người yêu, đứng tuyến đầu, kiên cường chiến đấu. Giữa cái sống và cái chết, họ sẵn sàng cùng sống và cùng chết. Ngày hôm ấy, anh Lượng và chị Chiêm đã ngã xuống vì hòa bình Tổ quốc.

Sau 38 năm, cuối cùng gia đình 2 bên mới được gặp lại. Chuyến xe đưa gia đình anh Lượng, vượt 200 cây số tới nhà chị Hồng Chiêm. Ăn hỏi, xin cưới, dạm ngõ, 3 cơi gộp làm một. Trầu cau, bánh trái đủ đầy. Cuối cùng ước nguyện dở dang của đôi trẻ năm ấy đến nay mới được thực hiện.

Trong đám cưới thông thường, người ta chỉ mong sao cô dâu, chú rể được trăm năm hạnh phúc, con cháu đuề huề. Còn với một đám cưới người âm như thế này, những người chứng kiến chỉ mong linh hồn họ có thể gặp được nhau.

Di ảnh chị đặt cạnh di ảnh anh đầy lặng lẽ. Từ nay, 2 người đã về chung một nhà. Mối tình của họ sẽ còn mãi những ngọt ngào của tuổi thanh xuân - mối tình bất tử với thời gian.

Nếu không có chiến tranh, có lẽ hôm nay, chúng ta không phải xót xa khi chứng kiến những đám cưới cho liệt sĩ. Hôm nay, có bao giờ các bạn trẻ tự hỏi thế hệ cha anh, họ lên đường chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì điều gì? Đó là vì khát vọng về một đất nước độc lập, tự do như chúng ta đang sống hôm nay. Họ đã cùng nhau để lại những dòng thư cho những người đang sống.

"Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi.

Xin cho chúng tôi gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp".

Đó là những dòng thư để lại của 3 liệt sĩ Vũ - Chí - Dũng gửi cho chúng ta - những người đang sống. 

Lịch sử đất nước đã đi qua những trang hào hùng nhưng phải trả bằng xương máu. Đất nước ấy đang được viết tiếp bởi triệu triệu người trẻ hôm nay, bằng hành trang là niềm tự hào dân tộc và ý thức sống xứng đáng với thế hệ cha anh.

Một Việt Nam hòa bình, phát triển, một Việt Nam vững vàng trước những sóng gió, khó khăn, thử thách hay cả dịch bệnh trước mắt. Sự đoàn kết và tinh thần lạc quan của những người lính năm xưa vẫn còn sống mãi cho tới tận ngày hôm nay, để tiếp thêm tinh thần, ý chí nghị lực cho chúng ta để đi tiếp trên con đường phát triển đất nước, đầy vinh quang mà rất đỗi tự hào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước