Nỗi đau của người ở lại sau những cuộc chiến tranh

Trần Hướng-Thứ hai, ngày 27/07/2020 14:03 GMT+7

VTV.vn - Đó là câu chuyện đầy đau thương và nước mắt của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Chính hay mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Kị có 3 con đều là liệt sỹ.

Cô Chính quật cường

Ấn tượng đầu tiên về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Chính là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng quật cường. Cuộc đời cô Chính gắn bó với con số một: cô chỉ còn 1 con mắt, chỉ còn một chân và cô cũng chỉ có một thân một mình (cô không có con, chồng cô đã mất), cánh tay phải của cô bị địch bắn giờ cũng bị liệt không sử dụng được nhiều.

Nỗi đau của người ở lại sau những cuộc chiến tranh - Ảnh 1.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Chính.

Đứa trẻ trải qua quá nhiều đau thương

Cô Chính kể về cái chết của ba mẹ mình. Nghe cô kể, tôi thấy xót xa và thương cô thật nhiều. Có lẽ trải qua quá nhiều đau thương, mất mát, trải qua quá nhiều khoảnh khắc vào sinh ra tử nên cô Chính lúc nào cũng mạnh mẽ, kiên trung.

Cha cô Chính tên Trần Thiệt, ông tham gia cách mạng từ rất sớm và làm công tác liên lạc cho Cách mạng. Địch đã theo dõi và truy bắt ông rất nhiều nhưng không được, thế rồi trong một lần về thăm nhà, chúng đã thành công. 

Giặc trói ông bằng dây thép gai và tra tấn ông tàn bạo trước mặt những đứa con của mình. Cuối cùng, ông phải nói với quân địch rằng muốn giết thì hãy giết đi, đừng để cho những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh tra tấn đau khổ này mãi.

Chúng thẳng tay chặt đầu ông rồi vứt xuống mương.

Còn mẹ của cô Chính cũng bị giặt bắt và tra tấn và hi sinh sau đó không lâu. Đó chính là lý do để cho cô Chính và những người anh em trong gia đình mình quyết tâm theo Cách mạng, quyết tâm phải chống lại giặc Mỹ tàn ác.

Thảm sát Thủy Bồ

Nhà cô Chính ở Đà Nẵng, còn quê gốc của cô là ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Được đi theo cô về quê thăm lại vùng đất cách mạng xưa, chúng tôi được nghe biết bao câu chuyện bi thương.

Nơi đầu tiên chúng tôi cùng cô Chính tới là đến thắp hương ở tượng đài thảm sát thôn Thủy Bồ (nay là thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Tại làng này, năm 1967 lính Mỹ đã tạo ra cuộc thảm sát 145 người già, phụ nữ và trẻ em. Khi đó cô Chính 22 tuổi, ký ức kinh hoàng vào buổi trưa ngày 21 tháng Chạp năm ấy vẫn còn ám ảnh cô.

Cô Chính kể, giặc tàn ác vô cùng, chúng giết tất cả người già, phụ nữ và trẻ em, cô có đứa cháu gái mới sinh con mới được một tháng, ấy thế mà giặc vào tận nhà giết cháu gái cô, còn đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi thì bị chúng xé làm đôi và vứt đi.

Rồi câu chuyện một gia đình 6 người đang ăn ngồi quây quần bên mâm cơm thì lũ giặc độc ác phi vào giết hết, cảnh tượng đau thương đến mức tất cả bị giết khi miệng vẫn còn đang ngậm miếng cơm. Người đàn ông duy nhất còn sống được cô Chính cùng đồng đội đưa đi trốn, tuy nhiên, một thời gian sau vì quá đau buồn ông cũng mất theo.

Bao nhiêu câu chuyện đáng sợ về sự độc ác của lính Mỹ mà cô kể khiến tôi chỉ biết rơi nước mắt, tôi thương cho cô và vùng quê kiên cường bền bỉ ấy, thương cho cả những người phải chết thê thảm vì sự tàn độc của lũ xâm lăng.

Đào hầm nuôi giấu cán bộ và bắt sống giặc Mỹ

Giác ngộ Cách mạng từ năm 14 tuổi, cô Chính cùng chị gái đào hầm bí mật ở nhà để nuôi giấu cán bộ. Khi bị giặc phát hiện và truy đuổi cô Chính tiến vào Sài Gòn và tiếp tục hoạt động Cách mạng. Sau đó, cô lại trở về xã Điện Hòa để mở một tiệm may nhỏ để che giấu hoạt động Cách mạng.

Kể về thành tích bắt sống giặc Mỹ, cô Chính xinh đẹp nhỏ nhắn khi đó đã dùng "mỹ nhân kế" để dụ tên lính Mỹ về nhà mình chơi và báo cho dân quân của ta phục kích, bằng sự nhanh nhẹn và thông minh, cô bắt sống được tên lính Mỹ có vị trị quan trọng ở vùng đó.

Ngay sau thành tích đó là chuỗi ngày cô chạy trốn lệnh truy nã của giặc Mỹ. Chúng lùng sục khắp nơi để bắt cho bằng được cô, chúng treo thưởng 2.000 USD cho ai bắt được. Rồi chúng vây bắt cả làng của cô, bắt nhịn đói 3-4 ngày để dân làng khai ra chỗ ở của cô nhưng vẫn không thành, rồi rải truyền đơn, lùng sục liên tục nhưng chúng đều thất bại vì khi ấy cô Chính đang trốn ở dưới hầm du kích.

Vết thương còn mãi

Cô Chính hiện nay là thương binh 1/4 những vết thương hằn dấu trên người khiến cô mãi không quên về ngày cô bị địch phục kích. Cô bị bắn trọng thương ở chân, tay và mắt, vì mất máu quá nhiều cô ngã nằm ở bãi cỏ cao gần 1m.

Cũng nhờ có cỏ mà hàng chục tên lính cứ chạy băng trên người cô mà không phát hiện ra cô, thế là cô bò lết về phía hầm du kích, khi được gặp đồng đội, mọi người bắt đầu chữa trị cho cô, cô bị cắt đi một chân và phải múc một bên mắt. Cả người cô khi ấy máu chảy ra rất nhiều, đau đớn đến tột cùng nhưng lúc đó, giặc lại đi tuần xung quanh. Trong lúc chữa trị cho cô, đồng đội giao cho cô một nhiệm vụ là dù đau cũng không được la hét, vì nếu có tiếng động, chắc chắn giặc Mỹ sẽ giết cả tiểu đội đang ẩn giấu.

Trong 2 giờ chữa trị liền, dù mất bao nhiêu máu, dù đau đớn cực độ, cô vẫn cố chịu đựng. Đến hôm nay, khi ngồi kể những câu chuyện này, cô vẫn không khỏi rùng mình, xúc động.

Dòng họ có 11 mẹ Việt Nam anh hùng

Nỗi đau của người ở lại sau những cuộc chiến tranh - Ảnh 2.

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Kị và ông Phan Công.

Tại xã Duy Hòa huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Kị năm nay đã 88 tuổi. Mẹ có 3 người con là liệt sỹ đang nằm nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Duy Hòa.

Khi theo chân mẹ đi thắp hương cho những anh hùng liệt sỹ của xã, tôi hỏi mẹ về nơi các liệt sỹ nhà mẹ đang nằm, khi đó mẹ bảo không nhớ, năm nào cũng ra thăm các con mấy lần nhưng trí nhớ mẹ ngày một kém đi và hình ảnh người mẹ ấy tay cầm bó nhang, một mình ngơ ngác đi tìm những đứa con cứ ám ảnh tôi mãi.

Ngồi cạnh mộ của 3 liệt sỹ, mẹ nói chuyện với các con của mình, mẹ kể cho tôi nghe về từng người con. Liệt sỹ Phan Văn Đoàn hi sinh năm 22 tuổi, Phan Văn Kỷ hi sinh năm 20 tuổi và Phan Thị Sỹ hi sinh khi mới chỉ 17 tuổi. Cả 3 liệt sỹ đều hi sinh khi tham gia du kích đánh giặc bảo vệ dân làng xã mình. Riêng liệt sỹ Phan Thị Sỹ hiện gia đình chưa tìm được hài cốt.

Sau đó, mẹ dẫn chúng tôi về nhà, ngôi nhà nhỏ giờ chỉ còn 2 vợ chồng mẹ ở, hai cụ già 88 tuổi ngày ngày rau cháo nuôi nhau. Chồng mẹ Ngô Thị Kị là ông Phan Công.

Tôi không thể nào quên được hình ảnh của một người chiến sĩ cách mạng vào sinh ra tử, bị giặc bắt tù đày tra tấn dã man không khóc, không sợ, nhưng đến khi tôi hỏi về những đứa con, ông lại khóc như một đứa trẻ. Cả buổi tôi ngồi phỏng vấn ông, ông đều khóc, người cha ấy yêu và thương vô cùng những đứa con của mình. Ông vẫn nói ông rất tự hào về những đứa con của mình bao nhiêu thì thấy hối tiếc bấy nhiêu vì không thể gặp các con trước khi con hi sinh.

Hai ông bà có 10 người con nhưng hiện giờ chỉ còn 4 người còn sống và giờ thì chỉ có hai ông bà ở với nhau mà thôi. Chuyến đi ấy, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh hai ông bà 88 tuổi nắm tay nhau đi giữa cánh đồng, họ đang đi ở nơi là chiến trường mà trước đây những đứa bé của họ đã hi sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc.

Về nơi cả làng cùng làm giỗ 27/7

Nỗi đau của người ở lại sau những cuộc chiến tranh - Ảnh 3.

Trước khi rời Quảng Nam, chúng tôi đến thăm địa đạo Kỳ Anh và nghe kể về buổi giỗ chung của những người dân trong làng Thạch Tân.

Địa đạo Kỳ Anh là một trong 3 địa đạo lớn nhất Việt Nam và được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia (cùng với địa đạo Củ Chi và địa đạo Vĩnh Linh). Trong chiến tranh, đây là một khu căn cứ cách mạng quân sự quan trọng, chính vì lẽ đó mà đây cũng là nơi ghi nhận biết bao sự hi sinh anh dũng của những chiến sĩ nơi đây.

Làng Thạch Tân trước đây có khoảng 140 hộ dân thì có đến 203 liệt sĩ, 59 mẹ Việt Nam anh hùng, cả làng nhà nào cũng có liệt sỹ, trong số ấy có rất nhiều người ngã xuống mà không biết ngày hi sinh. Chính vì lẽ đó, từ khi giải phóng đến nay, ở làng có một truyền thống là cả làng sẽ cùng nhau làm giỗ cho các anh hùng liệt sỹ vào ngày 27/7 hàng năm.

Người phụ nữ đầu tiên của làng tôi được gặp là bà Thơ, người phụ nữ 78 tuổi, ở một mình trong căn nhà nhỏ, một mình bà thờ 3 liệt sỹ là những người anh em ruột của mình và một mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày ngày, bà quanh quẩn bên hiên nhà và nhớ đến những người thân yêu của mình, cô đơn và buồn tẻ. Khi tôi phỏng vấn bà, bao chất chứa chỉ trực chờ bộc lộ, bà khóc cho những người thân yêu của mình đã hi sinh và khóc cho chính mình.

Những người phụ nữ cô độc ở làng này rất nhiều, các chiến sỹ tham gia cách mạng khi xưa chủ yếu là đàn ông trong làng, khi họ hi sinh thì để lại những người phụ nữ goá chồng, goá con… đau thương và thê thảm.

Tôi được gặp là chú Nguyễn Kim Ta trưởng thôn, một người đàn ông tâm huyết để giúp người dân phát triển du lịch cho làng mình với di tích địa đạo Kỳ Anh. Ông Ta có chia sẻ với tôi, đau thương mãi rồi, thế hệ trước ngã xuống vì hòa bình rồi thì chúng ta phải đứng lên, phải mạnh mẽ chứ.

Nhắc đến lịch sử đau thương không phải để gieo rắc những hận thù mà dạy cho con cháu trưởng thành, sống mạnh mẽ, biết yêu thương, đoàn kết và sẵn sàng khi Tổ quốc cần. Những câu chuyện của Cô Chính, mẹ Kị hay làng Thạch Tân chỉ là một phần nhỏ để chúng ta biết về những gì cha ông ta đã trải qua, để chúng ta biết trân trọng lịch sử, trân trọng hôm qua, trân trọng hôm nay và trân trọng mai sau.

Cô Trần Thị Chính chia sẻ: "Một chân đã mất, tay bại liệt và con mắt mù lòa này của tôi chỉ là một phần máu thịt được hòa quyện vào máu xương của hàng nghìn đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống để cho đất nước đứng lên".

Và hôm nay, lịch sử có một ngày rất đặc biệt: 27/7!

Dòng họ có 11 mẹ Việt Nam anh hùng Dòng họ có 11 mẹ Việt Nam anh hùng Ý chí quật cường của nữ anh hùng Trần Thị Chính Ý chí quật cường của nữ anh hùng Trần Thị Chính Nhiều hoạt động tri ân người có công và gia đình chính sách nhân ngày 27/7 Nhiều hoạt động tri ân người có công và gia đình chính sách nhân ngày 27/7

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước