Mập mờ thu phí dự án nước sạch nông thôn

Anh Tuấn - Nguyễn Phương - Phùng Định-Thứ hai, ngày 08/06/2020 17:26 GMT+7

VTV.vn - Niềm vui của nhiều hộ dân tại tỉnh Thanh Hóa chưa được là bao khi có nước sạch, nay lại có nhiều băn khoăn vì cho rằng chủ đầu tư thiếu minh bạch khi triển khai.

Đưa nước sạch về nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân là chủ trương đúng đắn, thực sự cần thiết trong bối cảnh nhiều địa phương đang lâm vào tình cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Tuy nhiên, cách triển khai như thế nào mới là điều quan trọng, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

"Loạn" giá thu tiền khi sử dụng nước sạch

Hiện nay ở một số vùng nông thôn của tỉnh Thanh Hóa có tình trạng người dân thiếu nước sạch nhưng lại chưa mặn mà sử dụng nước sạch, khi các dự án nước sạch triển khai. Câu chuyện bắt đầu từ những đường ống nước.

Muốn có nước sạch để dùng, người dân đều phải nộp tiền lắp đặt đường ống nước cho doanh nghiệp. Như tại địa bàn một số xã Quảng Yên, Quảng Văn thuộc huyện Quảng Xương, từ cuối năm 2019 đến nay, nếu hộ nào sử dụng nước sạch phải đóng 5.000.000 đồng, theo phát giá của Công ty cổ phần đầu tư cấp nước An Bình.

Ông Lê Quang Kỳ - Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Sau khi nhân dân có ý kiến yêu cầu giải thích khoản thu này thì công ty không giải thích được. Tôi thấy rất băn khoăn".

Trên biên bản nghiệm thu cho thấy, khoản tiền 5 triệu đồng người dân phải nộp gồm: Phụ kiện lắp đặt đồng hồ; tiền đường ống trước đồng hồ và chi phi lắp đặt. Việc thu tiền này khiến nhiều người bức xúc.

Mập mờ thu phí dự án nước sạch nông thôn - Ảnh 1.

Để có nước sạch dùng sinh hoạt, người dân nông thôn đang phải trả giá quá cao.

Tại địa bàn một số xã Hà Tân, Yên Dương thuộc huyện Hà Trung, số tiền người dân phải đóng cho doanh nghiệp nước sạch còn cao hơn thế khi Công ty xây dựng môi trường nước sạch Hà Trung phát giá 6.500.000 đồng. Vì khát nước sạch nên nhiều hộ dân đã chấp nhận nộp khoản tiền này.

Chưa dừng lại ở đó, theo phản ánh của người dân, nếu chậm nộp, số tiền người dân phải đóng để dùng nước sạch sẽ leo thang từng ngày. Như tại dự án nước sạch ở thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung. Trước 30/4, mức thu là 6.300.000 đồng, còn sau thời điểm này, sẽ tăng lên 7.000.000 đồng.

Vậy nhưng ngoài khoản tiền cố định theo phát giá của công ty nước sạch, tại tất cả các dự án, người dân đều phải trả thêm tiền đường ống, đồng hồ. Vậy nên mới có chuyện ở một số nơi, nhiều hộ phải bỏ ra chi phí từ 9.000.000 - 10.000.000 triệu đồng mới có nước sạch về nhà.

Doanh nghiệp tự "phát giá" liệu có được phép?

Mỗi nơi một mức giá thu tiền của người dân. Có nhiều lý do để các chủ doanh nghiệp có thể lý giải cho sự chênh lệch về khoản tiền thu của người dân khi triển khai nước sạch dù cùng triển khai trên địa bàn tỉnh như địa hình, vị trí khu dân cư với nhà máy cấp nước; hoặc là vốn đầu tư, phương án giữa các dự án khác nhau. Dù là vì lý do nào đi chăng nữa, điều người dân quan tâm nhất bây giờ là khoản tiền doanh nghiệp thu như vậy có được cho phép hay không?

Theo Nghị định của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì "đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đẩu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước".

Tuy nhiên, để khuyến khích tạo điều kiện cho nhà đầu tư huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn, tại Quyết định số 131/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn thì quy định "các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Như vậy, việc huy động tiền đóng góp của người dân sử dụng nước sạch là phù hợp với chủ trương chính sách hiện nay. Để hiểu rõ hơn về khoản tiền này, phóng viên đã làm việc với lãnh đạo Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Thanh Hóa - đơn vị quản lý lĩnh vực nước sạch nông thôn trên địa bàn.

Mập mờ thu phí dự án nước sạch nông thôn - Ảnh 2.

Tại tất cả các dự án, người dân đều phải trả thêm tiền đường ống, đồng hồ.

"Bản chất số tiền này là tiền đóng góp của người dân với doanh nghiệp. Thực ra có nhiều hình thức thỏa thuận của người dân. Sau này doanh nghiệp làm ăn có lãi được hưởng lợi nhuận, lợi tức từ tiền đóng góp của mình. Cũng có thể sau này doanh nghiệp hoàn trả lại tiền cho người dân. Một trường hợp nữa căn cứ vào số tiền dân đóng góp, doanh nghiệp sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt giảm giá nước cho người dân", ông Trịnh Bá Thuận - Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho hay.

Như vậy, bản chất khoản tiền này là số tiền người dân góp vốn cùng doanh nghiệp để đầu tư dự án nước sạch. Theo chính sách của việc huy động này, người dân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi đi kèm. Vậy nhưng việc triển khai trên thực tế có đúng hay không lại là chuyện khác?

Khi doanh nghiệp bỏ quên quyền lợi của người dân...

Để có câu trả lời chính xác về quyền lợi được hưởng khi đóng tiền góp vốn đầu tư cho doanh nghiệp nước sạch, phóng viên đã hỏi ý kiến của rất nhiều người, từ các hộ dân cho đến chính quyền địa phương và tất cả những người được hỏi đều có chung một câu trả lời.

"Nộp xong là mất. Không được hoàn trả lại tiền. Đây là tiền đóng cố định, cũng không được trừ vào tiền nước", ông Hoàng Ngọc Toàn - Trưởng thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, Thanh Hóa cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư thôn Đoài Đông, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa - nói: "Không thấy nói hoàn trả lại tiền. Không thấy nói gì hết. Chỉ thấy bảo là nếu thấy có nước vào đồng hồ là 5.000.000 đồng. Có thế thôi!".

Mập mờ thu phí dự án nước sạch nông thôn - Ảnh 3.

Khoản tiền doanh nghiệp thu về dự án nước sạch của người dân như hiện nay có được cho phép?

Bỏ qua hàng loạt quyền lợi của người dân lẽ ra mà họ được hưởng, khi lắp đặt xong, doanh nghiệp cứ thế ung dung bán nước và thu tiền. Với tỷ lệ 50% các hộ dân ở vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa đang sử dụng nước sạch như hiện nay có lẽ, số tiền người dân đã góp vốn đầu tư cùng các doanh nghiệp cũng lên đến hàng tỷ đồng. Nếu tính theo lãi suất ngân hàng, hàng năm cũng sinh lời không ít từ khoản tiền này, chứ chưa nói là doanh nghiệp huy động vốn của dân để đầu tư nước sạch.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, việc thu tiền nhằm huy động vốn của người dân mà không cam kết quyền lợi là không đúng theo quy định pháp luật.

Để minh bạch khoản thu này, phóng viên đã liên hệ với một số Công ty Cổ phần nước sạch An Bình nhưng vẫn chưa có buổi làm việc được với lãnh đạo các doanh nghiệp, khi họ đều né tránh với nhiều lý do khác nhau.

Còn nơi đặt công trình xử lý nước của Công ty xây dựng môi trường nước sạch Hà Trung đó lại là vườn của một số hộ dân là nơi đặt bể chứa và hệ thống lọc. Khi phóng viên VTV sử dụng thiết bị ghi hình, một số người lạ mặt xưng là chủ nhà lập tức cản trở.

Trên giấy tờ công trình này chỉ xin phép cấp nước cho 70 hộ dân tại xã Hà Yên nhưng thực tế đã thu tiền lắp đặt đường ống và bán nước cho nhiều người dân ở địa bàn xã khác. Điều đáng nói, đến thời điểm hiện tại việc cấp nước của công trình này vẫn chỉ trong giai đoạn thực nghiệm dù việc thực nghiệm đến hiện tại đã kéo dài gần 2 năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước