Mất sinh kế do bán đất nông nghiệp

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 13/04/2022 18:57 GMT+7

VTV.vn - Dịch bệnh ập tới khiến kinh tế điêu đứng, làm nông vốn thu nhập thấp vì thế không ít nông dân sẵn sàng bán đi mảnh đất, mảnh ruộng cũng là sinh kế lớn nhất của mình.

Thời gian gần đây, không ít người dân đã đổ tiền của vào đất để đầu cơ, nhiều người nhắm đến đất nông nghiệp chuyển đổi vì giá mềm hơn. Hầu hết các trường hợp mua đất nông nghiệp đều với mục đích phi nông nghiệp và đa phần là chuyển thành đất ở. Để hợp thức hóa những lô đất này, các dịch vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng mọc lên như nấm.

Với quỹ đất còn nhiều, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là địa điểm được giới môi giới đất đai quảng cáo rầm rộ từ đầu năm đến nay. Mỗi lời chào bán đều kèm theo phần ghi chú "bao làm sổ hồng", "kiêm dịch vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở". Hầu hết các thông tin được truyền tai hoặc đăng tải trên mạng xã hội nên không có căn cứ kiểm chứng.

Một lô đất trên dưới 1000 m2 được rao bán chỉ trong khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, khoảng 1 triệu đồng/m2. Theo các chuyên gia bất động sản, đây là mức giá không tưởng đối với đất ở tại Đà Nẵng. Chính vì thế nhiều người vẫn sẵn sàng xuống tiền mua đất với suy nghĩ mất thêm chi phí để chuyển đổi mục đích sử dụng thì vẫn có lãi lớn tuy nhiên đây hoàn toàn là một sai lầm.

Mất sinh kế do bán đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, hiện nay quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 địa bàn huyện Hòa Vang chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Hòa Vang cũng không có phần diện tích đất nông nghiệp (thuần túy) nào được chuyển sang đất ở. Chính vì thế, người dân có thể sẽ mất nhiều tiền làm dịch vụ chuyển đổi, song đất nông nghiệp sẽ vẫn là đất nông nghiệp.

Nguy cơ mất ổn định trật tự từ những giao dịch đất đai trái pháp luật là đã rõ. Nhưng còn một nguy cơ lớn hơn, gây tác động lâu dài tới xã hội đó là những nông dân sẽ mất đi sinh kế duy nhất của mình. Dịch bệnh ập tới kinh tế điêu đứng, làm nông vốn thu nhập thấp, vì thế không ít nông dân sẵn sàng bán đi mảnh đất, mảnh ruộng của mình. Ví dụ ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, đất vườn, đất rẫy, chỉ trong khoảng 2 năm đã tăng giá tới 10 lần kéo theo đó là nhiều người dân không còn đất sản xuất

Hiện nay, tình trạng bán đất nông nghiệp tại các xã miền núi tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng loạt diện tích đất nông nghiệp tại các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh bị bán cho những người không sản xuất nông nghiệp. Điều này làm cho diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều nông dân lại thiếu đất sản xuất. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sinh kế nhiều hộ nông dân, nhất là nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mất sinh kế do bán đất nông nghiệp - Ảnh 2.

Dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn việc bán đất nông nghiệp nhưng kết quả vẫn chưa khả quan. Giới môi giới mua bán đất vẫn đang hoạt động sôi động. Nguy cơ nông dân bán đất nông nghiệp vẫn tồn tại. Điều này đồng nghĩa với việc sinh kế của nông dân, nhất là nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Giữ được đất thì mỗi năm có thể sinh sôi lúa gạo, hoa màu, cho thu nhập dù có thể chưa cao. Còn cầm một khoản tiền từ tiền bán đất nếu không có hướng đầu tư, thì chẳng mấy mà bốc hơi. Không chỉ sốt đất nông nghiệp, đất ở cũng đã tăng chóng mặt. 2 năm qua, hiện tượng sốt đất đã xuất hiện ở hàng loạt các địa phương. Từ thành thị cho đến làng quê, giá đất đều tăng chóng mặt. Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, giá bất động sản vùng ven Hà Nội và các tỉnh, thành phố vệ tinh liên tục thiết lập mặt bằng mới. Đa số người thu nhập thấp và trung bình mất đi cơ hội an cư lạc nghiệp. Còn những người thực sự cần đất để phát triển sản xuất giai đoạn hậu COVID-19 thì cũng gặp không ít trắc trở.

Sau những cơn sốt đất đỉnh điểm, mới đây hàng loạt địa phương đã yêu cầu rà soát việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng, thậm chí dừng hẳn việc phân lô bán nền. Đã đến lúc, bàn tay quản lý của nhà nước cần được thể hiện rõ nét hơn để kịp thời ngăn chặn những hệ lụy dai dẳng từ những cơn sốt đất bởi sốt đất có thể ảo nhưng những hệ lụy là có thật.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước