Tồn tại một số vấn đề trong cung cấp thông tin phòng chống dịch
Tại phiên thảo luận chiều 9/11, một số đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề thông tin - truyền thông trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đại biểu Phạm Nam Tiến - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết ngành báo chí truyền thông cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn vì đại dịch. Nhiều tờ báo phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng việc sản xuất báo giấy bởi dịch bệnh. Thế nhưng vượt lên mọi khó khăn thách thức, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Phóng viên, nhà báo không quản ngại hiểm nguy đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình phòng chống dịch bệnh đến đông đảo công chúng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến phát biểu. Ảnh:TTXVN
ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch bệnh khác với tốc độ lây lan nhanh là tin giả, sai sự thật: "Báo chí là lực lượng tích cực góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh ổn định đời sống và tâm lý cho người dân. Có thể khẳng định báo chí trong thời gian qua đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19".
Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, ông Phạm Nam Tiến cho rằng, một vài địa phương chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền khi ban hành văn bản hướng dẫn, làm cho người dân bị bất ngờ, không có thời gian thích ứng.
"Thông tin xấu độc, thiếu chính xác trên các mạng xã hội còn khó kiểm soát. Qua phản ánh từ cơ quan báo chí, truyền thông tôi nhận thấy, dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh, nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là sự chưa thống nhất giữa một số bộ ngành liên quan đến chính sách, văn bản, ban hành, biện pháp chống dịch" - ông Phạm Nam Tiến nói.
ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng chỉ ra, việc chậm thay đổi một số văn bản quan trọng hướng dẫn các tiêu chí chống dịch, xác định nguy cơ, quy mô vùng dịch, các biện pháp hành chính tương ứng đã khiến nhiều địa phương gặp khó không có phương án sau giãn cách. Bên cạnh đó, thiếu vắng một kế hoạch tổng thể và quan điểm ứng xử với dịch bệnh ở tầm cỡ quốc gia dẫn đến nhiều địa phương chủ động làm theo những điều kiện của địa phương mình, không đồng bộ và không có sự hợp tác giữa địa phương khác.
Mặt khác những số liệu chuyên môn từ bộ chuyên ngành được đưa ra truyền thông nhưng lại ít chất liệu, ít phân tích dẫn đến một số thông tin bị hiểu lầm, gây hoang mang gây lo lắng. Những điều trên đã làm cho công tác truyền thông trong phòng chống dịch cũng trở nên bị động, thiếu sự chuẩn bị bài bản.
"Câu chuyện mỗi nơi một app là một thực tế đang diễn ra ở rất nhiều địa phương vào lúc này. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu kiến nghị đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế thông tin xấu, thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm quản lý thông tin về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng mỗi địa phương đến thời điểm này thì vẫn chưa thể thống nhất bằng một phần mềm với nhau. Như vậy thì rất khó để thực hiện kiến nghị này" - đại biểu Tiến phân tích. "Ý thức tuân thủ, nỗi lo đi kèm sự chủ động phòng bị, chống dịch của người dân rất cao, trên dưới một lòng. Không để dịch bùng phát là kết quả có một phần đóng góp của truyền thông. Thời gian tới, có thể dịch bệnh sẽ tiếp diễn và thậm chí phức tạp hơn. Nếu truyền thông mà không có sự thống nhất giữa bộ ngành, giữa địa phương thì rất khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh".
Cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản, biện pháp chống dịch, đại biểu kiến nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót, đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh, trong cuộc chiến diệt dịch COVID-19 cũng lộ diện các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chống phá cách mạng Việt Nam. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đồn nhảm, làm rối gây hoang mang trong dân, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch.
"Cùng với dịch bệnh COVID-19, đây cũng là một loại dịch bệnh nguy hiểm cần phòng và chống triệt để. Vì vậy, công tác truyền thông trong phòng chống dịch nếu làm tốt sẽ đạt được hiệu quả trên cả hai mặt trận, đó là phòng dịch và chống dịch. Để làm truyền thông làm tốt ấy thì rất cần sự chủ động, thích ứng, linh hoạt, thống nhất của các bộ ngành địa phương" - đại biểu Tiến nói.
Ứng dụng CCCD tích hợp dữ liệu tiêm chủng trong trận ĐT Việt Nam - ĐT Nhật Bản
Về vấn đề thống nhất các app chống dịch, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội (ĐBQH TP Hà Nội) khẳng định Bộ Công an đã, đang làm và sẽ tiếp tục làm việc này.
Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, một trong những dấu ấn rất nổi bật của ngành công an trong năm 2021 là đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử cho công dân.
Việc hoàn thành đưa vào hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta vì đây là dữ liệu gốc, rất chính xác về công dân Việt Nam với gần 100 triệu thông tin công dân đã được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên hàng ngày. Trong phòng, chống dịch vừa qua đã cho thấy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trên thực tế, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (ĐBQH TP Hà Nội)
Từ dữ liệu gốc, độ chính xác và bảo mật cao, các ngành đã kết nối dữ liệu tiêm chủng để phát triển và thống nhất các ứng dụng phần mềm phòng, chống dịch, qua đó khắc phục tình trạng loạn các phần mềm chống dịch với nhiều lỗ hổng bảo mật như vừa qua.
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã xác định kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh để triển khai thống nhất với việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân hoặc theo hình thức phù hợp đối với người chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đại biểu Nguyễn Hải Trung đánh giá đây là chủ trương rất đúng đắn, cần được các ngành khẩn trương triển khai để mang lại hiệu quả trên thực tế.
Đại biểu cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân có tích hợp dữ liệu tiêm chủng để kiểm soát người ra, vào Sân vận động Mỹ Đình trong trận bóng đá giữa các Đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 11/11 sắp tới. "Điều này sẽ mang lại sự tiện lợi rất lớn và sẽ là bài học để quản lý hoạt động xã hội khác trong điều kiện bình thường mới", đại biểu nhấn mạnh.
Thúc đẩy sáng tạo tác phẩm điện ảnh, truyền hình về lịch sử chất lượng cao
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Nam Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương (ĐBQH tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh, trong báo cáo của Chính phủ cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông - một lĩnh vực đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh bảo đảm sức chống chịu lâu dài của nhân dân đi qua đại dịch.
Nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin truyền thông, đại biểu đoàn Nghệ An đề xuất:
Thứ nhất, Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế. Chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước được truyền tải nhanh nhất, trực diện nhất đến mọi người dân. Thông qua các thông điệp ngắn, gọn, rõ do lãnh đạo Đảng, nhà nước chính quyền địa phương đưa ra, dẫn dắt hành động của người dân nên tất cả các cấp các ngành đều phải nắm được đầy đủ, chính xác để giải thích được với mọi người.
"Các thông điệp cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp. Không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng đề xuất mang tính phong trào. Cũng cần có sự quan tâm xây dựng hình ảnh cho lãnh đạo khi tham gia chỉ đạo chống dịch một cách phù hợp" - ông Phương cho biết.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Đặng Xuân Phương phát biểu. Ảnh: TTXVN
Thứ hai, các sản phẩm thông tin giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi gia đình mọi người dân trong xã hội. Tuy nhiên hiện nay các sản phẩm thông tin này rất đa dạng, được phát tràn lan trên các nền tảng số xuyên quốc gia gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu sản xuất các chương trình giải trí và phim trên các kênh truyền hình trong nước. Để khắc phục nhiều đài kênh truyền hình trong nước đã chọn cách phát các bộ phim chương trình giải trí nước ngoài hoặc có nguồn gốc kịch bản của nước ngoài phù hợp với thị hiếu để thu hút được tỷ suất người xem cao vào các khung giờ vàng, giúp tăng doanh thu quảng cáo.
Trong quá trình thực hiện các chiến lược phát triển của đất nước đến 2030 tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng. Với định hướng chiến lược rõ ràng giúp nâng cao chất lượng phim và các sản phẩm giải trí phổ biến trên các kênh truyền hình trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thứ ba, cần có phối hợp chính sách thông qua việc quan tâm hơn đến ngành sử học và văn học lịch sử để làm cơ sở cho việc thúc đẩy sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh, truyền hình về các đề tài lịch sử có chất lượng cao, góp phần bồi đắp thêm kiến thức cho giới trẻ lịch sử văn hóa dân tộc.
Cần sớm có chỉ đạo để những trung tâm lớn về khoa học xã hội tăng cường phối hợp với các hội trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn học nghệ thuật cùng với các quỹ nghiên cứu, đẩy mạnh đặt hàng, hỗ trợ, tài trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu các đề tài và các sáng tác về chủ đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, góp phần tạo lập cơ sở khoa học và văn học cho việc sản xuất các chương trình.
"Trong thời gian qua giới trẻ Việt Nam đã có rất nhiều thành quả sáng tạo quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, thời trang, phục cổ, sáng tác âm nhạc mang âm hưởng truyền thống, xuất bản truyện tranh, sản xuất các bộ phim truyện và video clip về các chủ đề lịch sử, giả sử, văn học dân gian. Trào lưu này trong giới trẻ đã và đang thu hút được đông đảo công chúng quan tâm, nên rất cần được Đảng, Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ đầu tư thích đáng" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Hướng tới Hội nghị văn hóa toàn quốc, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã có kiến nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu tham mưu cho Trung ương Đảng sớm ra Nghị quyết nhằm định hướng đổi mới toàn diện, chấn hưng văn hóa nước nhà, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, các dịch vụ phát thanh, truyền hình và xuất bản cần được coi là phương tiện chủ lực để tuyên truyền giáo dục về văn hóa lịch sử dân tộc.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!