Muôn kiểu trại lợn xả thải ra môi trường
Từ khi trại lợn Lộc Điền, tỉnh Bình Phước đi vào hoạt động cũng là lúc con suối ô nhiễm nặng, đặc quánh nước thải.
Lần ngược theo con suối, điểm xả thải nằm ở vị trí cây cối um tùm, phủ kín rất khó tiếp cận. Nhưng tiếng nước chảy ào ào thì không thể che đậy được.
Đây chỉ là một trong nhiều vị trí mà nước thải từ trại lợn thoát ra ngoài suối và đây chính là nguyên nhân khiến cho con suối Bàu Dinh ô nhiễm suốt nhiều năm qua.
Lắp máy bơm, gắn đường ống, bơm nước thải từ trại lợn xả lên lô cao su, kiểu lắp đặt máy bơm để xả thải này là thủ đoạn khá tinh vi. Đường ống được chia nhỏ và xả ở rất nhiều vị trí trong phạm vi vài hecta.
Nói cách thức bơm nước xả thải này rất tinh vi là vì bằng chứng rất dễ được thủ tiêu. Cơ quan chức năng khó bắt quả tang vì thời gian và vị trí xả có thể thay đổi liên tục.
Còn trại chăn nuôi lợn Lộc Ninh 3 chẳng cần xả lén lút, họ xây cả tuyến mương bê tông để thải ra suối.
Hàng ngày, một lượng nước thải rất lớn được thoát ra suối. Để tránh người dân phản ánh, khiếu kiện vì ô nhiễm môi trường, các chủ trại lợn bỏ tiền ra mua luôn nhiều hecta đất quanh trại chăn nuôi.
Nguy hại từ nước thải chăn nuôi lợn
Nếu trại chăn nuôi lợn khép kín, mùi hôi thối, xú uế có thể phát tán trong không khí cả cây số. Còn khi nước thải được xả ra môi trường, sông suối thì đi đến đâu là ô nhiễm đến đó. Nước thải chăn nuôi lợn vì thế được xem là loại nước thải loại gây ô nhiễm nặng nhất trong các loại nước thải.
Nước thải chăn nuôi lợn chứa nhiều tạp chất như: vô cơ, hữu cơ, khoáng chất... Đặc biệt, nguy hại hơn đó là trong nước thải có chứa các nhiều loại vi khuẩn gây bệnh dịch như: tả, lỵ, thương hàn, kiết lỵ. Thậm chí có thể tìm thấy các loại virus và các loại trứng, ấu trùng, ký sinh trùng; đều dễ dàng phát tán vào nguồn nước.
Người dân bức xúc vì nước thải gây ô nhiễm
Những trại lợn mà phóng viên tiếp cận phản ánh có đặc điểm là nằm ở vùng thưa dân cư, đặc biệt là khu vực đồi núi rất nhiều cây cối. Tuy nhiên thực tế khi nước thải chăn nuôi lợn được xả ra môi trường, sức ảnh hưởng, gây hại rất lớn.
Nhà ông Điểu Be (xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) cách trại lợn khoảng 30m nên ở trong nhà mùi hôi thối không khác gì ngồi trong khuôn viên trại.
Nhà bà Gái (xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) nuôi được 6 con trâu thì vừa chết 1 con do uống phải nước suối ô nhiễm.
Nước suối ô nhiễm không thể dùng chăn nuôi, tưới cây, nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm, tưới cho tiêu, tiêu cũng chết. Người dân thực sự rơi vào cảnh khó khăn vì nguồn nước ô nhiễm.
Ông Trần Thanh Quang - Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, Lộc Ninh, Bình Phước cho biết: "Phải kiểm tra lại, phải làm lại thì mới kiểm tra được trại này, đối với địa phương thì kiến nghị xử lý nghiêm nếu sai theo báo cáo đánh giá tác động môi trường".
Trại lợn ở đâu, môi trường sông suối quanh khu vực trại đều bị ô nhiễm. Đây là thực tế rất đáng báo động tại địa phương này.
Toàn tỉnh Bình Phước có 95 trại chăn nuôi thì riêng huyện Lộc Ninh có số trại chăn nuôi lợn chiếm khoảng 50 trại - tức là hơn một nửa. Hiện tất cả các trại lợn đều không có hệ thống xử lý nước thải mà mới chỉ xây dựng được hệ thống bể chứa. Vi phạm môi trường của các trại chủ yếu là không thực hiện đầy đủ theo đánh giá tác động môi trường, chăn nuôi quá số lượng cấp phép, hệ thống xử lý nước thải bị quá tải, xả ra môi trường gây ô nhiễm.
Trại lợn xả thải - không thể chỉ phạt hành chính
Với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhiều trại lợn đã bị xử phạt với mức phạt cao, đối với cấp tỉnh là khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Lộc Ninh cho rằng, xử phạt hành chính không đủ sức răn đe và không thể là giải pháp xử lý tận gốc cho vấn đề môi trường.
"Để xảy ra ô nhiễm môi trường, chúng tôi không chối bỏ trách nhiệm của chính quyền địa phương được nhưng vì những phương án đánh giá tác động môi trường khi xây dựng ban đầu là phương án trên giấy, khi đi vào hoạt động chưa đáp ứng theo thực tế nên chúng tôi yêu cầu phải có cách xử lý môi trường để đảm bảo không cần kiểm tra cũng không gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi không thể kiểm tra suốt ngày suốt đêm được" - ông Hoàng Nhật Tân (Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, Bình Phước) nói.
Nếu một bên cứ canh xả để kiểm tra, còn một bên cứ canh kiểm tra để xả thì đó là câu chuyện không có hồi kết.
UBND huyện Lộc Ninh vừa có thông báo yêu cầu tất cả các trang trại chăn nuôi lợn phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học trước tháng 3/2021 với mục tiêu giải quyết triệt để vấn đề xả thải gây ô nhiễm. Việc của người dân là chờ xem giải pháp này có xóa được vấn nạn ô nhiễm kéo dài suốt nhiều năm qua hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!