Nói đến cuộc sống nơi đầu sóng cũng là nói tới vô vàn vất vả, gian lao, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Với truyền thống từ bao thế hệ, những ngư dân vươn khơi bám biển luôn cho thấy sự dũng cảm, tự hào khi vượt qua sóng dữ cùng những hiểm nguy.
Sự sống nơi đầu sóng
Tàu cá bị chìm do sóng lớn trên vùng biển phía Nam đảo Lý Sơn là giây phút kinh hoàng nhất với anh Quyền. May mắn, anh cùng 9 ngư dân đã được cứu sống.
Anh Theo là một trong số những người còn sống xót trong vụ đắm tàu cá số hiệu BTh 97478 TS, tại vùng biển Trường Sa, Nhà Dàn DK1. Khi tàu bị đắm, 15 ngư dân phải nhảy khỏi tàu xuống 2 chiếc thuyền thúng rồi trôi dạt 9 ngày trên biển. 6 người đã chết vì kiệt sức. Số còn lại may mắn được một tàu hàng nước ngoài và một tàu cá đi ngang qua cứu đưa vào bờ.
Trôi dạt trên biển nhiều ngày không thức ăn, nước uống, anh Theo không nghĩ mình lại có thể sống sót để tiếp tục vươn khơi.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, không cứ gì bão, thời tiết ở biển luôn biến đổi thất thường nên đôi lúc sóng rất lớn khiến nhiều người không kịp trở tay.
Cuộc sống nơi đầu sóng luôn là thế, tất cả đều không nói trước được điều gì. Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã cứu và hỗ trợ 200 người cùng 15 phương tiện. Số người chết và mất tích là 20 người, trong đó có 14 ngư dân. Đáng chú ý, phần lớn các vụ tai nạn trên biển đều liên quan đến tàu cá.
Những buồn vui chốn hậu phương người đi biển
Đằng sau những mất mát là chồng chất nỗi đau giấu kín của hậu phương. Đó là những hy sinh thầm kín trong lòng những người phụ nữ có chồng hay những đứa con có cha đi biển.
Kể từ hôm chồng mất tích trở về, chị Liên ở Bình Thuận gần như ngày nào cũng canh lúc có sóng để gọi điện hỏi thăm chồng. Nhớ lại ngày nhận tin chồng cùng các anh em trên tàu cá BTh 97478 TS bị sóng đánh chìm trên vùng biển Trường Sa sau đó mất liên lạc tận 10 ngày, chị Liên vẫn chưa hết bàng hoàng: "Lúc đó em hụt hẫng không còn gì nữa, lập bàn thờ lên không nghĩ chồng mình còn nữa".
Không được may mắn như chị Liên, chị Hạnh có chồng là ngư dân trên chuyến tàu ấy đến nay vẫn không thấy tung tích của chồng. Chị Hạnh tâm sự: "Nghe ghe xảy ra tai nạn tôi không còn tâm trí gì hết, tôi chỉ muốn chết với chồng tôi thôi, nhưng tôi còn 4 đứa con nên ráng để sống lo cho các con…".
Dù nhận được sự động viện, giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con hàng xóm nhưng vẫn không ngăn được những giọt nước mắt còn mặn hơn cả muối biển của người mẹ, người vợ có chồng con ra khơi không ngày về.
Chồng đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hoàng Sau sau một tai nạn nổ bình gas trên tàu khi đang đánh cá làm 3 người chết, chị Thiệt ở đảo Lý Sơn giờ chỉ còn biết nén nỗi đau, gắng gượng nuôi 3 con nhỏ: "Từ khi chồng mất cuộc sống nó vô cùng vất vả bấp bênh, phải đi làm thuê kiếm từng đồng để nuôi con".
Qua chia sẻ của những người phụ nữ ở Lý Sơn có chồng con đi biển, hầu hết họ đều có chung một tâm lý luôn phấp phỏm lo âu, nhất là khi biển động.
Điểm tựa vươn khơi
Bên cạnh nụ cười khi tàu về thuyền đầy tôm, cá, luôn có cả những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của người vợ, người mẹ, người cha chốn hậu phương. Nhưng dù có mất mát vất vả bao nhiêu đi nữa, hậu phương vẫn luôn là nguồn động viên tinh thần vươn khơi, bám biển cho các ngư dân với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Còn những ngư dân, họ luôn cần một điểm tựa vũng vàng để đương đầu nơi sóng dữ.
Bất chấp những đợt sóng dữ dội, lực lượng cảnh sát biển vùng 2 vẫn cố cứu 5 ngư dân gặp nạn trên chiếc tàu cá Quảng Ngãi tại vùng biển cách Đông Nam đảo Lý Sơn 28 Hải lý. Cả 5 ngư dân đều được cứu lên tàu. Thoát chết trong gang tấc, những người được cứu cho biết họ không ngờ tàu bị phá nước chìm nhanh như vậy.
Tàu cá chết máy do bị phá nước vì sóng lớn khiến tính mạng của 10 ngư dân như ngàn cân treo sợi tóc. Họ đã được cứu trong đêm tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tai nạn chìm tàu trên biển không chỉ đối với các tàu cá, ngay kể cả những con tàu lớn đôi lúc cũng phải chịu chung số phận khi gặp sóng gió cấp 7, cấp 8.
Các lực lượng cứu hộ cứu nạn cho biết, thời gian qua, do thời tiết trên biển có những biến đổi khó lường, các vụ đắm tàu, gặp nạn như thế này thường xuyên diễn ra.
Mới đây nhất, ngày 9/3/2023, một chiếc xà lan bị chìm. 2 thuyền viên may mắn được một tàu cá ngư dân Bình Thuận và tàu cảnh sát biển đến tiếp cứu kịp thời. Sự phối hợp cứu hộ cứu nạn giữa cảnh sát biển và ngư dân cũng ngày càng ăn ý hơn.
Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, điểm tựa của họ chính là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đồng hành trên từng ngọn sóng.
Cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền pháp luật trên biển, ngành chức năng các địa phương ven biển cũng đang phối hợp thực hiện các biện pháp phòng đối phó mới mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra khi mùa mưa bão đang đến gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!