Năm 2015, hệ thống đường cao tốc phát triển vượt bậc

Đặng Tú - Văn Công (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 30/12/2015 20:01 GMT+7

VTV.vn - Năm 2015 được đánh giá là một năm đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó hệ thống đường cao tốc có sự phát triển vượt bậc.

Năm 2015, hệ thống đường cao tốc Việt Nam vượt hơn 20% so với mục tiêu đề ra của Chính phủ. Những tuyến đường, nhà ga, bến cảng đã từng bước làm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông của cả nước. Dù trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, ngành GTVT vẫn huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư các dự án đường cao tốc, thực hiện Nghị quyết của Đảng "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020".

Về đích sớm 1 năm và tiết kiệm được hơn 14.000 tỷ đồng, hai đại dự án Mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã để lại dấu ấn đặc biệt trong năm 2015. Với thiết kế 6 làn đường và cho phép phương tiện lưu thông tốc độ tối đa 80km/h, hai dự án này đã giảm được khoảng 30% thời gian chạy xe.

Trong 5 năm qua, chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông của Việt Nam đã tăng 36 bậc. Riêng trong năm 2015 chỉ số này tăng 9 bậc, góp phần không nhỏ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, nhưng giai đoạn 2011 - 2015 đã có hơn 370.000 tỉ đồng được huy động để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, trong đó nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng giao thông chiếm gần 50%.

Chỉ trong năm 2015, Bộ GTVT đã triển khai 167 dự án như: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ GTVT cho biết, từ nay đến năm 2020, sẽ huy động khoảng 228.000 tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, sẽ tiếp tục đầu tư 2.500km đường cao tốc, chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc 200km/h.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ xử lý triệt để tình trạng lún nứt đường bộ; đồng thời huy động nhiều nguồn vốn khác để đầu tư nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng cho giao thông với mục tiêu hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và sức chịu đựng của người dân.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước