Đèn ông sao
Đèn ông sao truyền thống vẫn là mặt hàng được nhiều người lựa chọn mỗi dịp Trung thu (Ảnh: Dân trí)
Đèn ông sao là chiếc đèn quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi dịp Trung thu về. Sau bao nhiêu năm, món đồ chơi này vẫn không có thay đổi. Vẫn là khung tre hình sao 5 cánh, dán "giấy bóng" đỏ, bên trong có nến để thắp sáng.
Đèn cù
Món đồ chơi quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi khi đến dịp Rằm tháng 8 (Ảnh: Dân trí)
Đèn cù còn gọi là đèn ông sư cũng là một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Đèn cù cũng làm bằng tre dán "giấy bóng" nhiều màu và có chỗ cài nến ở chính giữa. Khi đẩy đèn đi, các cánh hoa màu sắc sẽ quay đều hắt ánh sáng từ ngọn nến bên trong đèn ra mặt đường.
Mặt nạ giấy bồi
Đối với những thế hệ 6X, 7X đây là món đồ chơi ưa thích hầu như ai cũng có một chiếc vào dịp Tết trung thu (Ảnh: ĐCSVN)
Những chiếc mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi dân gian không thể thiếu mỗi độ Thu về. Mặt nạ giấy bồi với các khuôn hình quen thuộc như ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở… vẫn được yêu thích. Có rất nhiều người đã tự cắt hình đơn giản rồi vẽ chiếc mặt nạ theo sở thích của riêng mình bằng bút chì màu, hay dùng bút lông tô màu nước.
Đèn kéo quân
Đèn kéo quân là món đồ chơi giản dị và gần gũi với tuổi thơ của nhiều thế hệ mỗi dịp rằm Trung thu tháng Tám. Bên cạnh những đồ chơi hiện đại, sự hiện diện của đèn kéo quân được làm thủ công, cầu kỳ vẫn có một sức hút đặc biệt.
Đèn kéo quân ngày này được trang trí nhiều màu sắc bắt mắt (Ảnh: TTXVN)
Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Đèn kéo quân độc đáo ở chỗ chiếc lồng kéo "biết" xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các "quân".
Trống bỏi
Trống bỏi khi quay tạo ra tiếng "tạch tạch" vui tai. Trống bỏi được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản: đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng, dây nylon.
Trống bỏi khi quay tạo ra tiếng “tạch tạch” vui tai (Ảnh: Dân trí)
Mặt trống được nặn từ đất sét, chỉ lớn hơn đồng xu một chút, cắm que sắt vào hai bên sườn rồi phơi khô. Sau khi phơi khô, hai mặt trống được bọc bằng giấy đỏ sao cho kín để tạo ra tiếng kêu đanh, gọn.
Tàu thủy sắt tây
Ảnh: Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhiều năm trước đây, tàu thủy sắt tây cùng thỏ đánh trống là niềm mơ ước của không ít trẻ em vào mỗi dịp Trung thu. Tuy đơn giản, nhưng món đồ chơi này lại là bài học thú vị về khoa học vật lý như nhiệt, chuyển động, và cũng là thí dụ sống động về tái sử dụng vật liệu cũ.
Đồ chơi sắt tây một thời là đồ chơi đắt giá của Hà thành. Các nghệ nhân làng Khương Thượng (Thanh Xuân - Hà Nội) tận dụng vỏ lon hộp và các công cụ đơn giản đã tạo ra hàng trăm món đồ chơi hấp dẫn trẻ em.
Dù không phải là đồ chơi Trung thu lâu đời như những loại đèn kể trên, nhưng tàu thủy sắt tây lại gợi nhớ những nét rất đặc biệt về Tết Trung thu của người Việt, nhất là với những người đã sống qua thời bao cấp.
Trống ếch
Cứ đến gần rằm là tiếng trống ếch vang lên khắp đầu thôn, cuối ngõ (Ảnh: Báo HNM)
Trống ếch là một trong những món đồ chơi phát ra tiếng kêu "cắc, tùng" đặc trưng trong dịp Trung thu. Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em Việt Nam ngày xưa.
Tiến sĩ giấy
Tiến sĩ giấy (Ảnh: Đảng Cộng sản Việt Nam)
Người Việt rất coi trọng việc học hành, vì thế vào dịp Tết Trung thu, bao giờ cũng bày biện ông tiến sĩ bằng giấy để mong ước con trẻ học hành tấn tới, đỗ đạt hiển vinh. Trong đêm trăng rằm, tiến sĩ giấy được đặt trang trọng bên mâm ngũ quả cúng trăng.
Tò he
Tò he là món đồ chơi truyền thống được các bạn nhỏ thích thú (Ảnh: Dân trí)
Tò he một trong số ít những món đồ chơi Trung thu dân gian còn tồn tại đến nay. Tò he nặn bằng bột mì với hình dáng đa dạng được tạo ra từ bàn tay khéo léo và những dụng cụ đơn giản.
Những nhân vật tò he gắn với thế giới cổ tích muôn màu của trẻ nhỏ như Tôn Ngộ Không, công chúa Bạch Tuyết đến những chú gà, chú thỏ, bông hoa…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!