Cứ vào mỗi thứ sáu hàng tuần, thợ lặn Ban quản lý Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa lại tổ chức lặn biển, nhưng không phải để ngắm san hô mà để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô trong vịnh Nha Trang.
Chính những việc làm này đã giúp rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và Hòn Chồng nhanh chóng phục hồi. Bảo vệ rạn san hô cũng chính là bảo vệ hệ sinh thái Vịnh Nha Trang, một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Nhặt rác đáy biển bảo vệ rạn san hô Vịnh Nha Trang" là một nhiệm vụ quan trọng mà đội lặn thuộc Ban quản lý Vịnh Nha Trang thực hiện tại khu vực biển Hòn Mun. Nhiệm vụ của nhóm là nhặt rác dưới đáy biển và bắt sao biển gai. Đây là những đối tượng trực tiếp tác động đến sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển của rạn san hô trong khu bảo tồn Hòn Mun.
Anh Phạm Thủy Phong Tĩnh đại diện của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết: "Những rác này là rác sinh hoạt, lưới tàu cá đánh ngoài khơi rồi tấp vào. Hoạt động của tụi em là 1 tuần đi dọn vệ sinh và bắt sao biển gai 1 lần."
Thông thường, Ban quản lý Vịnh Nha Trang triển khai lặn dọn rác và bắt sao biển gai mỗi tháng 1 lần. Thời gian này sao biển gai xuất hiện nhiều nên công việc này được thực hiện hàng tuần. Hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi tốt sau khi bị suy giảm nghiêm vào năm 2022. Độ che phủ của san hô dao động trong khoảng 30-50%, tăng so với mức 10-20% trước đây.
Bà Cao Thị Trúc Duyên, Trưởng phòng Bảo tồn, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa, chia sẻ: "Theo khảo sát của Viện Hải dương học thì rạn san hô đã phục hồi nhưng hơi chậm vì để phục hồi rạn san hô thì phải cần thời gian rất dài."
Các loài san hô tạo rạn có vai trò rất quan trọng trong việc tạo tầng, tán che để sinh vật biển sinh sôi, ẩn tránh kẻ thù, cũng như có nhiều nguồn thức ăn cho sinh trưởng và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!