Mặc dù có quy định song không ít trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã vẫn thờ ơ, bỏ qua hoặc thành lập bộ phận an toàn giao thông chỉ mang tính đối phó. Hệ quả là bộ phận này hoạt động không hiệu quả, thiếu chuyên môn và trang thiết bị. Điều này dẫn đến việc không thể kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho phương tiện khi tham gia giao thông.
Là doanh nghiệp có nhiều xe hoạt động tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hùng cho rằng, khi doanh nghiệp không có bộ phận an toàn sẽ không thể kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho phương tiện khi tham gia giao thông. Bộ phận an toàn giao thông sẽ thường xuyên theo dõi dữ liệu thiết bị giám sát hành trình gắn trên từng phương tiện, đồng thời đưa ra cảnh báo đối với tài xế đang lưu thông trên đường.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2023, có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải tuy nhiên, hiện đến hơn 82% đơn vị vận tải hành khách có quy mô nhỏ lẻ, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe. Nhiều doanh nghiệp sợ tốn thêm chi phí nên chưa thực sự quan tâm đến việc thành lập bộ phận an toàn giao thông.
Cũng theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, để nâng cao hiệu quả của bộ phận an toàn giao thông, trước hết, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ khi nào lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ thì mới mạnh dạn đầu tư và hỗ trợ cho bộ phận an toàn giao thông hoạt động hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!