Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức đã thu hút sự tham gia, phối hợp tham gia của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cùng hàng trăm bà con nông dân tại các tỉnh thành miền Trung. Các đại biểu, bà con nông dân đã cùng thảo luận, trình bày các tham luận đưa ra các giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Diễn đàn "Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, bà con nông dân và các cấp chính quyền.
Đáng chú ý là các nội dung tham luận đưa ra giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai liên quan đến sản xuất nông nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ, đặc điểm nhận dạng tình hình mưa bão, lũ lụt, khô hạn trong quá trình sản xuất hay các mô hình chuyển đổi phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết…
Bà con nông dân mong muốn được tập huấn trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Theo ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho rằng, với các loại hình thiên tai cần có các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác hại, các giải pháp về trồng trọt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với từng khu vực cho phù hợp. Ngoài ra, cần áp dụng kỹ thuật, đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai như khu vực Bắc Trung Bộ. và từ năm 2017 đến năm 2020 do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khu vực này đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích khoảng 34.448 ha.
Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng đã đem lại hiệu quả cho bà con nông dân
Ông Đặng Văn Hải, Trưởng phòng ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), trước diễn biến của biến đổi khí hậu, giải pháp trong thời gian tới là cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bổ sung lắp đặt trạm đo mưa tự động, hệ thống quan trắc chuyên dùng của các ngành, địa phương; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Song song đó là rà soát, khắc phục các bất cập trong công tác vận hành hồ đập, đầu tư, sửa chữa các điểm xung yếu của các tuyến đê, kè, công trình thủy lợi đảm bảo chống bão theo tiêu chuẩn thiết kế. Cần tăng cường quản lý, bảo vệ, trồng và phát triển rừng bền vững, xây dựng nhà an toàn cho người dân.
Tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp của tỉnh, bao gồm: Hỗ trợ tỉnh kinh phí sửa chữa xây dựng nâng cấp các công trình hồ đập chứa nước phục vụ phòng chống thiên tai và đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều bảo vệ sản xuất; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu thoát nước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng; triển khai phòng chống hạn hán, xâm nhập mặt.
Bà con nông dân tại khu vực miền Trung thì cho rằng, cần có sự tập huấn, thậm chí có cẩm nang khoa học của các chuyên gia thì bà con mới tự tin chuyển đổi, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, vì do biến đổi khí hậu, nếu sản xuất không có lãi, không phát triển sẽ kéo nền nông nghiệp địa phương đi xuống, kèm theo đó sẽ có nhiều khu vực đất đai sản xuất bị lãng phí.
Nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình sản xuất của các địa phương Bắc Trung Bộ đã được đưa ra tại diễn đàn
Trước đó, vào sáng cùng ngày, các đại biểu tham gia diễn đàn đã đi tham quan mô hình trồng măng tre Lục trúc tại trang trại Đức Thành (thôn Trảng Bàng, xã Hòa Thạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Đây là mô hình tiêu biểu cho việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Bình.
Mô hình măng tre Lục trúc ứng phó tốt với khí hậu khắc nghiệt tại Quảng Bình
Trung bình 1ha cho thu hoạch 70kg măng thành phẩm/1 tháng, cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng
Tại tỉnh Quảng Bình, những năm gần đây bão và áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh có xu hướng càng ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ, càng ngày mức độ càng khốc liệt và khó lường hơn. Riêng năm 2024, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa mưa bão năm nay có khoảng trong đó 1-2 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Quảng Bình. Theo quy luật những năm gần đây, thì năm 2024 sẽ là năm có chu kỳ lặp lại của những đợt thiên tai bão, lũ lớn tương tự như lũ năm Giáp Thìn 1964.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!