Đối với rau củ quả hỏng, hoa bị úa, tàn, lá cây rụng..., chúng ta thường sẽ cho chúng vào thùng rác. Tuy nhiên, bạn đừng vội bỏ đi vì chúng sẽ mang lại tiền khi được chế biến thành nước rửa bát hay nước lau nhà.
Ở thành phố Đà Nẵng, chị Trịnh Thị Hồng (chủ nhãn hiệu nước rửa chén, nước lau nhà Minh Hồng) nổi tiếng với công việc này. Ý tưởng tái chế các loại rau, củ, quả hỏng đã đến với bà sau một lần khu phố nhà bà bị "ngập" trong rác thối vì không chuyển đi kịp. Mày mò nghiên cứu, bà đã cho ra đời các sản phẩm này và đang được bán rất chạy với giá 55.000 đồng/lít.
Chị Trịnh Thị Hồng ủ nguyên liệu để tạo ra chế phẩm sinh học. (Ảnh: Báo Nhân dân điện tử)
Những chiếc làn nhựa đang được nhiều người dùng khi đi chợ để hạn chế túi nylon, nhưng làn nhựa vẫn phải mất tiền mua, đồng thời kích thích sản xuất nhựa. Bà Nguyễn Thị Túc và các hội viên Hội Phụ nữ phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội đã nghĩ ra cách thu gom các dây nhựa hàng quán bỏ đi, đan lại thành những chiếc làn. Nhiều người sẵn lòng mua với giá 50.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, các hội viên phụ nữ chỉ đem tặng. Hiện khoảng 400 phụ nữ ở đây đã có những chiếc làn nhựa tái chế này để đi chợ.
Với các hội viên Hội Phụ nữ của quận Hoàng Mai, Hà Nội, họ lại mày mò cách gấp túi ở trên mạng từ các loại giấy báo bỏ đi. 2.500 hội viên phụ nữ ngày nào cũng tranh thủ gấp những chiếc túi này để phát miễn phí tại các chợ. Có thể thấy, hội viên phụ nữ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước đang tiên phong trong việc thực hành lối sống xanh.
Giảm rác thải, sống xanh đang là lựa chọn của nhiều người - một xu hướng sống lành mạnh trên thế giới. Nhiều khái niệm đã trở nên phổ biến như: văn phòng xanh, tòa nhà xanh, thực phẩm xanh.
Theo xu hướng này, giới trẻ gần đây còn có thêm khái niệm "bếp xanh". "Bếp xanh" đơn giản là giảm túi nylon trong bếp, thay đồ nhựa một lần bằng đồ thủy tinh... Xu hướng "bếp xanh" kêu gọi cộng đồng xây dựng bếp tối giản, tích trữ ít hơn đồ ăn trong tủ lạnh, giảm lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày, phân loại rác tại bếp, hạn chế những đồ dùng một lần nhằm thực hành sống xanh.
Từ những thói quen nhỏ, đơn giản, lối sống xanh phải nâng lên thành những hoạt động sản xuất hàng ngày của mỗi gia đình. Ở Thanh Hóa, Hội Phụ nữ đã có sáng kiến để người dân có một môi trường sống xanh, đồng thời có thu nhập kinh tế cao thông qua mô hình "Nhà sạch - Vườn mẫu''. Có bóng mát để chơi, quả lành để ăn, không gian xanh để hít thở, vui sống, những mô hình "Nhà sạch - Vườn mẫu'' đã giúp người dân thôn quê thực hành sống xanh hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!