Đèo Tằng Quái dài 11 km, nằm trên trục đường huyết mạch - Quốc lộ 279, được thiên nhiên ưu ái, ban tặng vẻ đẹp huyền cổ khi quanh co, uốn lượn trong mây trời hòa quyện dày đặc hai mái đèo của dãy Pu Pha Phạ (Vách Thưng Trời) huyện Mường Ảng (Điện Biên). Từ đỉnh đèo phóng tầm mắt xuống không khó để nhìn rõ thị trấn Mường Ảng nằm nhỏ xinh như chiếc cúc áo ven trời Tây Bắc. Mường Ảng là một huyện mới của tỉnh Điện Biên khi tới năm 2024 này huyện mới tròn 17 năm thành lập (năm 2007).
Ông Trần Văn Quyến, PCT Hội Cựu chiến binh thị trấn Mường Ảng nói với phóng viên Thời báo VTV: "Huyện thì trẻ nhưng những thành viên trong hội cựu chiến binh thị trấn thì lại già. Ở đây, chúng tôi có những hội viên, là những cụ lão thành cách mạng, những chiến sĩ Điện Biên xấp xỉ tròn trăm. Họ là những pho sử sống. Trầm tích muôn vàn lớp lang văn hóa của mảnh đất Điện Biên huyền thoại".
Những người lính thường xuyên cùng nhau gặp gỡ, trò chuyện
Theo thống kê của ông Quyến, trong tổng số thành viên hội cựu chiến binh thị trấn thì đã có tới gần một nửa trường hợp là những thương bệnh binh, trong đó, có những trường hợp bị thương lần thứ hai trong các cuộc kháng chiến. "Là thương binh nhưng chính các bác lại là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập. Các bác là minh chứng rõ nhất cho câu nói của Bác Hồ: "thương binh tàn nhưng không phế". Họ chính là người đã truyền cảm hứng, đầu tiên là cho con cháu trong nhà, sau đó là những người bên cạnh, là những đồng chí đồng đội về nghị lực vươn lên nghịch cảnh."
Trong lúc chờ cơn mưa miền rừng tạnh hẳn, ông Quyến bảo tôi đi đâu thì đi nhưng cũng nên sắp xếp để diện kiến bệnh binh Trần Khắc Thiếp ở Tổ dân phố số 5. Sinh năm 1940, năm nay cựu binh Trần Khắp Thiếp đã 84 tuổi nhưng vẫn dẻo dai mẫn tiệp. Quê gốc Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam. Năm 1962 ông Thiếp nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ông được điều về Trung đoàn 70, Đoàn 559. Trong quá trình chiến đấu, ông Thiếp 2 lần bị thương với tỉ lệ thương tật lên tới 64%.
Cựu Binh Trần Khắc Thiếp năm nay đã 85 tuổi
Năm 1977 ông được trên phân công về xây dựng nông trường Mường Ảng. Cũng từ đó, mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc trở thành quê hương thứ 2 của người lính Trần Khắc Thiếp. Hỏi chuyện người lính già, những ký ức, những câu chuyện của một thời tuổi trẻ được ông tái hiện qua giọng kể đầy tự hào, sôi nổi. Phát triển nông trường, trồng rừng, phát triển chăn nuôi. Thậm chí cùng con cháu thử nghiệm nhân rộng mô hình cây cà phê, vốn là một loại thế mạnh của vùng đất Mường Ảng (Điện Biên). Nghe ông kể chuyện, không ai ngờ ông Thiếp năm nay đã gần chín mươi tuổi, lại là bệnh binh với 64% tỉ lệ thương tật. Ông Thiếp có 4 người con. Người thì làm giáo viên, người thì làm kế toán. Niềm vui của người lính già, như lời ông bây giờ, đó là các con ngoan ngoãn, chịu khó, xứng đáng với truyền thống của một gia đình quân đội.
Cựu chiến binh Bùi Trọng Lệ chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình
Câu chuyện của bệnh binh Bùi Trọng Lệ ở Tổ dân phố 4 thêm một minh chứng cho tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "tàn nhưng không phế" với đầy đủ khí chất của người lính bộ đội cụ Hồ. Sinh năm 1953, năm nay đã sang tuổi 71 nhưng khi chúng tôi đến, người bệnh binh mang trong mình tỉ lệ thương thật 61% vẫn đang mải mê cuốc đất làm vườn. Ông Lệ quê gốc dưới xuôi. Năm 1972 vào quân ngũ và trải qua nhiều chiến dịch lớn nhỏ.
"Đất nước hòa bình thống nhất, tôi chọn mảnh đất Mường Ảng này để lập nghiệp, gây dựng cuộc sống như một sự tình cờ thú vị của cuộc đời" - ông Lệ nói.
Theo ông Lệ, dù đất đai có cằn cỗi, thời tiết có khắc nghiệt như thế nào nhưng nếu chịu khó tìm tòi sẽ có được lối đi phù hợp với hoàn cảnh. Với cựu binh Bùi Trọng Lệ, "cái khó luôn ló cái khôn", cùng với người vợ của mình, ông bà đẩy mạnh tăng gia, phát triển mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng). Những năm trước, khi Mường Ảng đã phát triển hơn, dân cư về nhiều, ông bà chuyển sang mô hình kinh doanh phục vụ buôn bán nhỏ lẻ. Song song với đó là phát triển trồng cây cà phê, vốn là một thế mạnh của huyện Mường Ảng.
Tâm sự với phóng viên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng Nguyễn Văn Đức cho biết: "Những người như bác Lệ, bác Thiếp là những tấm gương sáng về hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ. Tuy là thương binh, có người là thương binh nặng nhưng nghị lực của các bác thì không phải người bình thường nào cũng dễ dàng làm được".
Lao động đưa lại cho họ niềm vui
Có dịp trò chuyện với các thương bệnh binh ở thị trấn Mường Ảng, người viết được chính các ông kể cho nghe câu chuyện về một người bạn, người đồng đội của họ, đó là trường hợp của ông Tạ Văn Chiến trú tại Tổ dân phố số 8 . Nhập ngũ năm 1970, từng tham gia nhiều trận đánh lớn, như: Chiến dịch "Ðường 9 - Khe Sanh"... năm 1987 ông Chiến chuyển công tác sang Nông trường số 6 Ðiện Biên với tỷ lệ thương tật 25%, nhiễm chất độc hóa học 55%.
Năm 1994, ông Chiến nghỉ hưu với muôn vàn những gian khó của những ngày đầu. Sức khỏe yếu, chân tay đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; song bằng nghị lực của người lính cụ Hồ, thương binh Tạ Văn Chiến quyết tâm làm giàu trên mảnh đất Mường Ảng. Ông Chiến đã vay tiền của anh, em trong gia đình ủi 2.000m2 ao để nuôi cá thương phẩm kết hợp chăn nuôi gà, vịt nhằm tăng thu nhập. Trời không phụ công người, nhờ ham học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của ông khá suôn sẻ và có lãi. Khi đã tích lũy được vốn, đến năm 2010 ông Chiến quyết định mở rộng quy mô làm kinh tế bằng việc mua thêm 5ha đất trồng cà phê và đào hơn 1.000m2 ao cá cùng chăn nuôi lợn, dê thương phẩm...
Chăm vườn bưởi đợi một mùa quả ngọt
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng Nguyễn Văn Đức nói, câu chuyện của những thương binh như Trần Khắc Thiếp, Bùi Trọng Lệ, Tạ Văn Chiến… là lát cắt trong muôn vàn các câu chuyện sinh động về những thương bệnh binh trên vùng đất Điện Biên lịch sử. Chính họ đã cùng nhau viết lên bài ca cuộc sống, lan tỏa rõ nhất tinh thần "thương bình tàn nhưng không phế", phát huy cao đẹp phẩm chất người lính cụ Hồ trong thời đại mới
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!