Trở về chưa hẳn đã là giải thoát với những nạn buôn bán người, đặc biệt là những trẻ sơ sinh không xác định được thân nhân, họ thực sự cần gì, chúng ta đang có những chính sách gì?
"Ám ảnh" trở về
70% số nạn nhân mua bán người được phát hiện là phụ nữ và trẻ em. Đây là con số cảnh báo của LHQ. Phần lớn nạn nhân bị lừa bán đều do "người quen", thậm chí người cùng làng, cũng xã và cả họ hàng. Thủ đoạn phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch.
Hậu quả do nạn buôn bán người để lại là không thể đong đếm được vì nó ảnh hưởng đến số mệnh của không chỉ 1 người mà nhiều người. Nhiều nạn nhân sau khi trở về đã sống với những ám ảnh sau những ngày đen tối nơi xứ người ...
Nhiều làng ven biển ở Thanh Hóa vẫn kể cho nhau nghe chuyện "bị đánh thuốc mê" rồi bán sang biên giới. Có nhà, con 13 tuổi ra đi nhiều năm không tin tức, coi như mất tích. Không chỉ trẻ con mà cả người lớn, người có gia đình cũng bị "bỏ thuốc".
Trong 1 lần đi bán hàng khô, gặp khách lạ rồi tỉnh tỉnh, mê mê, bà Hằng bị bán sang Trung Quốc. 2 năm sau, bà mới tự tìm đường trở về.
Còn với bà Ánh, sau 15 năm bị bán làm vợ ở xứ người, chị bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà và bị trao trả về quê với 2 đứa con. Hiện tại chỉ còn con gái ở cùng chị. Con trai lớn ở một thời gian rồi bỏ về Trung Quốc nhưng may còn liên lạc được.
Căn nhà cũ cửa chỉ bằng 1 tấm liếp, không việc làm, chị Xuân cứ lang thang trong làng rồi lại có thêm 1 đứa bé. Xã tạo mọi điều kiện như cho tiền xây nhà, chị không nhận, chỉ lấy quà và tiền cứu trợ.
Chị Xuân giờ không còn sợ hãi và ru rú trong nhà như lúc mới trở về. Xã tạo điều kiện cho chị làm bảo vệ và quét dọn ở 1 trường học rồi chị được giúp đỡ xây dựng gia đình. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chị Xuân chưa bao giờ rời khỏi xã.
Vậy là sự trở về chưa hẳn đã là giải thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối mà đôi khi lại bước sang một bi kịch khác của cuộc đời. Nhiều người phải đối diện với những lời gièm pha, đàm tiếu của chòm xóm, có khi từ chính người thân trong gia đình thay vì dang vòng tay bao dung. Vì thế, nhiều năm qua, các địa phương luôn giành riêng nguồn lực hỗ trợ người trở về, để họ vượt qua mặc cảm, sợ hãi và trở lại với đời thường.
Hỗ trợ các nạn nhân buôn người
Chuyện hỗ trợ, tìm sinh kế cho những người lớn là nạn nhân buôn bán người dù sao cũng sẽ có những hướng giải quyết. Còn vấn đề nan giải khác là việc chăm sóc, nuôi nấng các nạn nhân là trẻ sơ sinh được đưa về sau các vụ phát hiện, bắt giữ các đường dây buôn bán người.
Có lẽ, đây cũng là những thân phận xót xa nhất không gia đình, nhiều hồ sơ vẫn đang được truy tìm nhân thân nhưng rất khó khăn. Nhiều trẻ em may mắn chỉ có một bến đỗ duy nhất là các trung tâm bảo trợ xã hội.
Không khóc, không nháo khi có khách lạ, chỉ vài phút, chúng sẽ bắt chuyện và mong được ôm ẵm. Những đứa trẻ này được đưa về từ bên kia biên giới. May mắn, tất cả đều bình thường. Ở đây, trẻ luôn được đơn vị tiếp nhận ưu ái chăm sóc và bố trí đầy đủ dinh dưỡng cùng người chăm sóc.
Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, tìm kiếm nhân thân cho các cháu nhưng tất cả đều mờ mịt. Chưa có cháu nào tìm được gia đình, có tìm được thì mẹ đẻ cũng chính là người bán con mình.
Nuôi dưỡng và hỗ trợ học tập theo chế độ bảo trợ là chính sách cho trẻ sơ sinh là nạn nhân của các vụ buôn bán người. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn. Điều cần làm là phải chặn đứng tình trạng buôn người, buôn bán trẻ sơ sinh. Bởi mua bán người hiện là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí nên chúng vẫn bất chấp rất nhiều thủ đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!