Bản sắc văn hóa ở chân núi Pù Luông
Pù Luông, Thanh Hóa là Khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái quốc gia thuộc hai huyện Quan Hóa và Bá Thước. Bản Đôn, xã Thành lâm, một trong 3 bản nằm dưới chân dãy Pù Luông hùng vĩ, nơi thức dậy sớm nhất là căn bếp của đồng bào Thái.
Phong tục của người Thái là phụ nữ sau khi sinh kiêng ăn uống nấu bằng nồi mà món gì cũng lam, rau lam, nước lam, cơm lam...
Các món ăn với những hương vị rất riêng là điểm nhấn đặc sắc của du lịch miền Tây xứ Thanh. Ảnh: TTXVN
Các bản làng quanh chân dãy núi Pù Luông chưa bị du lịch hóa nhiều nên vẫn còn giữ nguyên bản sắc, nơi du khách sẽ có nhiều trải nghiệm độc đáo về văn hóa vùng miền. Có những thôn bản vẫn chưa có điện nhưng sự hiếu khách của người dân nơi đây sẽ níu chân những ai yêu thiên nhiên, con người miền sơn cước.
Sự mê hoặc của ruộng bậc thang Pù Luông
Giờ đang mùa lúa chín, mùa đẹp nhất ở Pù Luông. Tất cả các khu ruộng bậc thang sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, Pù Luông trở nên trù phú và mơ mộng. Hương lúa thơm cùng không khí trong lành đã làm cho mỗi buổi sáng ở đây, thời gian như chậm lại.
Nhiệt độ buổi sáng ở đây chỉ từ 20-22 độ C. Những ngôi nhà sàn nằm giữa thiên nhiên được nhiều du khách chọn lựa. Ngay cả nước ở bể bơi tại đây cũng rất khác bởi được lấy từ mó trên núi. Người dân bản giữ nguồn nước tự nhiên, không có bất cứ tác động yếu tố hóa học nào.
Những bản làng, những nếp nhà sàn mang nét đặc trưng của người dân bản địa tạo nên một Pù Luông hoang sơ, mê đắm lòng người. Ảnh: NLĐ
Việc canh tác của bà con ở đây cũng có điểm đặc biệt, nhất là vụ trồng lúa nếp nương kéo dài tới 4 tháng, thay vì 2 tháng như dưới xuôi nên du khách có nhiều thời gian ngắm lúa.
Một hành trình khác dành cho những ai muốn thử thách bản thân sau khi kết thúc cung đường ngắm lúa là leo núi Pù Luông. Với độ cao 1.700m, bạn sẽ đi xuyên rừng để cắm trại trên đỉnh. Ngày hôm sau, bạn có thể dậy sớm để ngắm bình minh giữa tinh không.
Vì một màu xanh rừng Pù Luông
Việc giữ cho màu xanh của những cánh rừng nguyên sinh đang là công việc của những cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cùng với khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, rừng Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn cho sông Mã ở Thanh Hóa.
Trạm kiểm lâm làng Mười là một trong 5 trạm của Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Mỗi tháng, các kiểm lâm viên có một đợt tuần tra 15 ngày. Họ phải mang theo lương thực, nước uống cho chuyến hành trình.
Đa dạng sinh học ở đây có tới 1.456 loài thực vật; 908 loài động vật như gấu ngựa, cầy vằn...
Trong tiếng Thái, Pù Luông là ngọn núi cao nhất. Với chiều cao 1.700m so với mặt nước biển, hiện trên đó vẫn còn dấu tích các công trình từ thời Pháp.
Hơn 17.000 ha rừng đã in dấu chân của các anh và công việc này vẫn đang cần tiếp sức từ mọi người để duy trì màu xanh cho rừng Pù Luông.
Những ai đã đến Pù Luông thì càng hiểu rõ thông điệp này. Cùng với mùa vàng, đến với Pù Luông là đến với nơi mà du khách thực sự được hòa nhập vào thiên nhiên, tách biệt hẳn với thế giới hiện tại. Hành trình được yêu thích nhất ở đây là đi bộ xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn với những cánh rừng già, thác nước, suối khe hoang sơ, kỳ vĩ. Vẻ đẹp này đang được bảo tồn, gìn giữ nhờ chính các anh kiểm lâm và ý thức của mỗi du khách ghé qua đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!