Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm. Nhóm một là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng hoặc tái chế; hai là chất thải thực phẩm và ba là chất thải rắn sinh hoạt khác. Dù đã bước sang ngày thứ 2 quy định này có hiệu lực, tuy nhiên, tại một số địa điểm vẫn còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi, chưa thực hiện phân loại.
Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những túi rác thải vẫn còn xuất hiện bên lề đường mà chưa được phân loại tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Không chỉ là rác thải sinh hoạt thông thường, túi nilon, vỏ bánh kẹo, mà thậm chí cả khẩu trang đã qua sử dụng cũng được vứt bừa bãi. Điều này một phần cũng đến từ việc nhiều người chưa nắm rõ quy định phân loại rác thải.
Bên cạnh việc phân loại rác tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định về việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay vì tính phí theo bình quân đầu người như hiện nay. Đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định này còn nhiều bất cập, đặc biệt là với những hộ kinh doanh, số lượng rác thải mỗi ngày tương đối lớn.
Luật quy định trách nhiệm phân loại rác thải của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Để có thể thực hiện tốt chính sách này, mỗi cá nhân cần có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại rác ngay tại gia đình. Đây là gốc rễ để cơ quan chức năng xử lý rác thải sinh hoạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!