Quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch khi số ca mắc mới ở nhiều địa phương tăng cao

TTXVN-Chủ nhật, ngày 20/02/2022 06:03 GMT+7

Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, nhiều địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa... đã tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống COVID-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 18/2 đến 16 giờ ngày 19/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 41.980 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh; 41.968 ca ghi nhận trong nước (giảm 459 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 29.831 ca trong cộng đồng).

Ngày 19/2/2022, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 12.850 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Vĩnh Phúc.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (97 ca), Quảng Nam (27 ca), Quảng Ninh (20 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Hưng Yên (6 ca), Kiên Giang (4 ca), Thanh Hóa, Hải Dương, Long An, Bình Dương (mỗi địa phương 2 ca), Lâm Đồng, Ninh Bình, Bình Phước, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi địa phương 1 ca).

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.740.293 ca mắc, trong đó có 2.268.020 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 3.017 bệnh nhân nặng đang được điều trị; 39.423 ca tử vong.

Tính đến ngày 18/2, tổng số vaccine đã được tiêm là 190.919.218 liều. Trong đó, số lượng tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.168.950 liều: mũi 1 là 70.866.623 liều; mũi 2 là 67.250.297 liều; mũi 3 là 1.443.914 liều; mũi bổ sung là 13.265.091 liều; Mũi nhắc lại là 21.343.025 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.750.268 liều: Mũi 1 là 8.606.707 liều; Mũi 2 là 8.143.561 liều.

Điều chỉnh giá xét nghiệm SARS-CoV-2

Quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch khi số ca mắc mới ở nhiều địa phương tăng cao - Ảnh 1.

Test COVID-19 cho học sinh có biểu hiện ho, khó thở. Ảnh: TTXVN

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 21/2 này, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành.

Thông tư quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 do cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện, bao gồm việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Thông tư áp dụng đối với các trường hợp thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả và các trường hợp được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Không áp dụng Thông tư này đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Theo Thông tư mới nhất này (thay thế Thông tư 16 trước đó), mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế như sau:

Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Mức giá theo quy định hiện hành ở Thông tư16 là 109.700 đồng/xét nghiệm. Như vậy mức giá mới sẽ giảm khoảng 30% so với giá đang thực hiện.

Ngoài ra, thông tư còn quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:; cơ cấu giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2...

Chống buôn lậu, hàng giả trong lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực Y tế.

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tránh gây chồng chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.

UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng: Thuốc phòng, bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa ngành Y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 18/2 đến 18 giờ ngày 19/2, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh lên 4.869 ca (tăng 320 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.206 ca tại cộng đồng và 3.663 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 468 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, là 196.416 ca.

Để bảo đảm công tác điều trị cho trẻ mắc COVID-19 trong thời gian học sinh, sinh viên đến trường học tập trung trở lại, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 79/SYT-NVY về công tác điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập; 30 trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã.

Cũng trong ngày 18/2, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành hướng dẫn điều chỉnh (lần thứ 7) về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, trong đó có thêm hướng dẫn phân luồng điều trị cho trẻ em mắc COVID-19. Cụ thể, trẻ trên 3 tháng tuổi sẽ được điều trị tại nhà. Nếu không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa trong ngày 19/2, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 930 bệnh nhân mắc COVID-19 mới. Đáng chú ý là từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng mạnh và số bệnh nhân nguy kịch, tử vong do COVID-19 có xu hướng tăng nhanh.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, cũng trong ngày 19/2, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, các sở, ban ngành trong toàn tỉnh tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm túc chiến lược "5K + vaccine xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác".

Ngày 19/2, tỉnh Quảng Trị ghi nhận thêm 518 ca mắc COVID-19 – cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh này lên 10.129 ca; trong đó 14 ca tử vong. Hiện hàng trăm ca đang điều trị tại nhà và cơ sở y tế.

Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng, Tổ COVID-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" rà soát, thống kê các đối tượng chưa tiêm chủng, nhất là những người ở nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền để vận động tham gia tiêm chủng đầy đủ; trừ những trường hợp chống chỉ định tiêm... Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai tiêm chủng lưu động đối với những trường hợp không có khả năng di chuyển tới địa điểm tiêm. Các địa phương cần đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc có đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng thì chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện và phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước