Cứ 100 hộ dân ở thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định thì có gần 27% hộ trong nhà có các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Vì thế, ổ dịch sốt xuất huyết kéo dài dai dẳng khi chỉ hơn 1 tháng qua tại thôn đã ghi nhận nhận 30 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Từ hộ dân đến trường học, công tác phun hóa chất, diệt lăng quăng đang được triển khai nhưng sau lần thứ nhất thì lần thứ hai chỉ số lăng quăng lại tăng lên.
Các gia đình trữ nước sinh hoạt phải đậy nắp không để lăng quăng sinh sôi.
Các đợt mưa xen kẽ ngày nắng nóng, muỗi vằn phát triển mạnh. Nhiều vùng do thiếu nước sinh hoạt, người dân tăng cường trữ nước nhưng không đậy nắp nên lăng quăng sinh sôi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết gia tăng ở Nam Trung Bộ. Sau khi dịch COVID-19 đã ổn định, từ tháng 5 đến nay, ngành y tế cùng các địa phương đã dồn lực ra quân giám sát điều tra và xử lý 185 ổ dịch gây sốt xuất huyết ở Phú Yên và Bình Định.
Từ nay đến hết tháng 6, các địa phương tiếp tục duy trì phun hóa chất và giám sát các ổ dịch ở các xã trọng điểm và có nguy cơ cao. Song để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết hiệu quả, theo ngành y tế, trong mùa nắng nóng này, nếu các gia đình trữ nước sinh hoạt phải đậy nắp và cần phải loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Có như vậy mới cắt được con đường gây bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết từ trong các gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!