Thời gian gần đây, thời tiết Hà Nội thường xuyên thay đổi thất thường, hay xảy ra mưa dông, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, đặc biệt là muỗi mang virus sốt xuất huyết (SXH). Hà Nội cũng đã ghi nhận thêm các ca mắc bệnh mới, mặc dù tỉ lệ có giảm so với các năm trước nhưng người dân cũng không nên chủ quan.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 25/5, toàn thành phố ghi nhận 155 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 55,5% so với cùng kỳ 2019. Tuy vậy, đây là thời điểm dịch SXH ở phía bắc bắt đầu "vào mùa" do thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.
BS Nguyễn Trung Cấp (trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, vào năm 2019, tháng 11 là đỉnh dịch SXH với số lượng ca nhiễm rất cao, đợt dịch bắt đầu từ tháng 6 và gia tăng mạnh vào tháng 7. Năm nay mặc dù không phải chưa phải là chu kỳ dịch, nhưng người dân cũng không nên chủ quan trong việc phòng dịch.
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện công tác phòng dịch COVID-19 hiệu quả, mối lo "dịch chồng dịch" nếu sốt xuất huyết bùng phát sẽ không diễn ra, đặc biệt là khi hai căn bệnh này có đường lây nhiễn khác nhau, do đó người dân có thể bớt lo lắng và chú ý thực hiện tốt các công tác phòng dịch.
Theo chuyên gia y tế phân tích, nếu người dân có ý thức phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống thường xuyên, diệt bọ gậy thì sẽ tránh được tình trạng bùng phát dịch. Tuy nhiên, ngoài SXH, người dân cũng cần chú ý những căn bệnh dễ xuất hiện và lây lan mạnh trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ vào thời điểm mùa hè như viêm não, viêm não Nhật Bản, bệnh đường hô hấp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!