Tập huấn tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO năm 2024

P.L-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 12:10 GMT+7

Quang cảnh Hội nghị Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO năm 2024

VTV.vn - Ngày 25/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tập huấn tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Thường trực Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An… cùng các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đến từ nhiều cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền, qua đó góp phần tiếp tục tăng cường hiểu biết cho người dân về công tác hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO cùng với sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam.

Tập huấn tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO năm 2024 - Ảnh 1.

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu khai mạc hội nghị

Ông Triệu Minh Long hy vọng, những thông tin chuyên sâu được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị sẽ là nguồn tài nguyên hữu ích đối với các phóng viên, biên tập viên để phục vụ công tác đưa tin, giúp nâng cao chất lượng bài viết về công tác đối ngoại.

Tại hội nghị, ông Vũ Duy Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao - đã trình bày tham luận về Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XII; tình hình thế giới và khu vực, những tác động và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tập huấn tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO năm 2024 - Ảnh 2.

Ông Vũ Duy Thành,Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao, chia sẻ về tình hình thế giới và khu vực, những tác động và ảnh hưởng đến Việt Nam

Theo ông Vũ Duy Thành, đặc trưng nổi bật của cục diện thế giới hiện nay khác so với các giai đoạn trước là "thế giới đang đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện mới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc". Cùng với đó là tính bất ổn, bất định và bất trắc gia tăng. Đây là giai đoạn chuyển đổi từ cục diện "nhất siêu đa cường" trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh sang cục diện mới "đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc" đang định hình. Cục diện này sẽ còn tác động đến mọi mặt đời sống quốc tế trong những năm tới.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cho biết, cục diện thế giới hiện nay được định hình bởi 5 nhân tố chính gồm:

(1) Thay đổi nhanh chóng trong tương quan so sánh lực lượng, đặc biệt là sự thu hẹp về khoảng cách sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc và sự nổi lên của các trung tâm quyền lực khác, đặc biệt là một số nước tầm trung.

(2) Cách mạng công nghiệp 4.0 (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, lượng tử) và các xu thế phát triển mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển dịch chuỗi cung ứng) được thúc đẩy mạnh mẽ, mở ra tiềm năng, không gian phát triển mới và là nhân tố mới quyết định sức mạnh tổng hợp quốc gia.

(3) Sự nổi lên của các chủ thể "phi nhà nước" và xu hướng "tán quyền". Các lực lượng này ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến sự vận động của chính trị, an ninh, kinh tế toàn cầu. Trong đó nổi lên vai trò của các lực lượng chính trị và vũ trang "bán chính thức" và các tổ chức, tập đoàn, nhất là các tập đoàn công nghệ và tài chính. Nhiều tập đoàn như Microsoft, Apple có vốn hóa đến 3.000 tỷ USD, lớn hơn nhiều nền kinh tế, đặc biệt các BigTech đang ngày càng can thiệp, chi phối sâu hơn vào đời sống xã hội với các công nghệ mới. Các chủ thể phi nhà nước và lực lượng bán chính thức có thể gây bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu.

(4) Yêu cầu của việc cải tổ, đổi mới các khuôn khổ, cơ chế, quy định truyền thống trong quản trị toàn cầu, đồng thời việc xây dựng các khuôn khổ, "luật chơi" trên các lĩnh vực mới.

(5) Sự biến đổi sâu sắc nhiều mặt trong đời sống xã hội, trong đó nổi lên là cơ cấu dân số, lao động... đang làm thay đổi cơ bản phân công lao động quốc tế (già hóa dân số, thay đổi về nhân khẩu học, kinh tế "tóc bạc", ứng dụng trí tuệ nhân tạo thay thế lao động truyền thống, tầng lớp trung lưu toàn cầu gia tăng).

Từ những nhân tố tác động lớn nêu trên, ông Vũ Duy Thành cho rằng, tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thể hiện 5 đặc điểm chính gồm:

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược nước lớn bước vào giai đoạn gay gắt, toàn diện nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, song các nước lớn vẫn duy trì đối thoại, tránh đối đầu, xung đột.

Thứ hai, các điểm nóng gia tăng, thậm chí xung đột bùng phát ở một số khu vực, tính chất bất ổn, bất trắc trong môi trường quốc tế ở mức cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Thứ ba, các thách thức an ninh phi truyền thống (như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh mạng...) ngày càng gia tăng.

Thứ tư, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn đoạn trước, tăng trưởng kinh tế có khả năng chậm hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Thứ năm, châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là trung tâm phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, song cũng địa bàn cạnh tranh, tập hợp lực lương giữa các nước lớn và tiềm ẩn nhiều tranh chấp, bất ổn rất dễ bùng phát.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đã cùng trao đổi và giải đáp thắc mắc của phóng viên, biên tập viên tham gia tập huấn về một số vấn đề quan trọng, thông qua các tham luận như: Thành tựu xây dựng cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác ngoại khối, trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam; Tầm nhìn 2035 về thông tin truyền thông ASEAN; Bảo tồn Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia về UNESCO và các tiểu ban với trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước