Nay Djrueng, người dân tộc Gia Rai suýt nữa không có cơ hội sống bởi hình hài không lành lặn từ lúc mới sinh ra. Di chứng của chất da cam/dioxin đã khiến 3 trong số 10 anh, chị em của Nay Djrueng là trẻ tật nguyền.
"Người anh trai của em bị tật đầu tiên trong nhà thế là mọi người cứ tưởng tà ma này nọ, họ quyết định đưa ra chôn sống. Đến khi sinh ra em, hình hài khác hẳn, mọi người đưa ra phương án chôn sống tiếp. Ông bác cả của em nói, tao có biết giết người đâu, từ thời điểm đó em sống" - anh Nay Djrueng kể lại.
4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo… Đó là thảm họa nặng nề từ khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học có chứa dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế của đối phương. Đặc biệt chiến dịch lớn nhất trong cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam mang tên Ranch Hand (bàn tay lực điền) gây ra thảm họa cho con người và môi trường.
Sân bay Biên Hòa - điểm nóng dioxin lớn nhất nước đang được tẩy độc. Trước đó, sân bay Đà Nẵng cũng đã được làm sạch. Những vùng "đất chết" do nhiễm dioxin đang dần hồi sinh. Nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh đã và đang mang lại thành quả nhưng sẽ vẫn còn phải đi tiếp một chặng đường dài và gian nan.
60 năm, nhắc lại thảm họa chất độc da cam/dioxin là để thức tỉnh lương tri cùng xoa dịu nỗi đau da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân và cũng là lời cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa của vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hóa học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!