Người lao động chờ đủ điều kiện trở lại thành phố
Chỉ còn 1 tuần nữa là chị Trần Yến Nhi (ấp 3, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, Bình Phước) đủ điều kiện để di chuyển trở lại thành phố làm công nhân may. Tranh thủ thời gian, chị vẫn duy trì sạp hàng rau để có tiền trang trải hàng ngày. Theo chị làm công nhân tuy có xa nhà chút nhưng vẫn cho thu nhập đều và ổn định hơn, nhất là thời điểm này cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn là rất nhiều.
Còn anh Trịnh Đăng Bằng (ấp 3, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, Bình Phước) thì cố gắng thực hiện 5K để giữ an toàn sức khỏe, ngay khi có thẻ xanh, đủ điều kiện anh sẽ về Bình Dương. Theo anh, thời điểm này sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt cho người lao động như anh.
Nhu cầu tiêm vaccine phòng dịch của người dân là rất lớn, tiêm đủ 2 mũi để đảm bảo việc đi lại thuận tiện hơn của công nhân lao động lại càng cần thiết, chính vì vậy đối với việc ưu tiên đối tượng nào tiêm trước, đối tượng nào tiêm sau thực sự là một bài toán khó với mỗi địa phương khi lượng vaccine còn giới hạn.
Ông Đoàn Quang Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, Bình Phước - cho hay: "Rất nhiều công nhân muốn trở lại thành phố để làm việc nhưng điều trước tiên người ta mong muốn là được an toàn, chúng tôi đã và đang thực hiện các phương án đó là tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 cho các đối tượng, hiện giờ địa phương là địa bàn xanh, đảm bảo xanh, xanh để xuất phát từ nơi này đến nơi khác đảm bảo an toàn".
Khoảng 65% dân số từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh Bình Phước đã được tiêm vaccine mũi 1, tuy nhiên chỉ khoảng 15% trong số đó mới được tiêm mũi 2. Hiện, rất nhiều người lao động vẫn đang tiếp tục được ưu tiên tiêm mũi 2, để đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa giải quyết được cơ hội việc làm khi nhu cầu lao động tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đang tăng dần.
TP Hồ Chí Minh cần thêm hàng trăm nghìn lao động
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách, đã có hơn 600.000 người lao động về quê tránh dịch. Trong đó có 300.000 công nhân. Sau hơn nửa tháng các doanh nghiệp hoạt động trở lại, đã có hơn 145.000 công nhân quay trở lại.
Dù vậy, TP Hồ Chí Minh dự kiến cần thêm khoảng 60.000 lao động từ nay đến cuối năm và đến quý 1 năm 2022, thành phố cần khoảng 120.000 - 140.000 lao động.
Việc làm - đó là lý do để những người lao động rời quê để lên thành phố. Ban đầu, đó chỉ là nơi có việc làm, sau thì họ dần gắn bó. Và thành phố như vậy: từ từ trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều người lao động ngoại tỉnh. Vì thế, thời gian trước, khi dịch bệnh COVID-19 tạo ra làn sóng di cư về quê, đã có rất nhiều người vẫn bám trụ lại thành phố. Nhiều người về quê tránh dịch rồi quay trở lại.
Lao động ngoại tỉnh gắn bó với TP Hồ Chí Minh
Căn phòng trọ chỉ hơn chục mét vuông này là tổ ấm của gia đình chị Thạch, quê ở An Giang vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân.
Khi dịch bệnh bùng phát, nhà máy dừng hoạt động, vợ chồng chị phải gửi con gái lớn về quê cho bà nội. Ở lại TP với rất nhiều khó khăn nhưng điều kiến vợ chồng chị trụ lại được là nhờ sự giúp đỡ của chủ nhà trọ và những người xung quanh.
Có công việc và thu nhập ổn định cũng là lý do để vợ chồng anh Phương từ Quy Nhơn quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Đợt giãn cách vừa qua, công ty xây dựng nơi anh chị làm việc ngừng hoạt động, anh chị phải về quê mấy tháng. Đến khi công ty làm việc trở lại, được xe về tận quê đón, anh chị quyết định để con cho bà nội, trở lại TP làm việc.
Mặc dù công việc của một công nhân xây dựng rất nặng nhọc, nhưng với anh chị, những giọt mồ hôi đổ xuống là những công trình được mọc lên.
Rồi đây, khi trường học mở cửa trở lại, anh chị lại đón các con vào thành phố để đi học. Căn phòng trọ lại rộn rã tiếng cười con trẻ.
Người lao động tìm cơ hội việc làm để chăm lo cho tương lai của con cái, của gia đình. Thế nhưng xa quê, bám trụ lại thành phố, cuộc sống của họ cũng có nhiều khó khăn và không phải ai cũng vượt qua được khó khăn này. Trước làn sóng di cư về quê, đã có rất nhiều ý kiến về việc: cần chính sách chăm lo cho lao động ngoại tỉnh, để họ gắn bó lâu dài với thành phố.
Cần có chính sách chăm lo để người lao động gắn bó lâu dài
Không những lo ăn ở và chi phí 3 tại chỗ, Công ty Xây dựng Kiến Thiết Việt còn cho xe đưa công nhân về quê rồi hết giãn cách lại đón vào. Dù vậy, hiện nay mới chỉ tuyển được khoảng 70% lao động so với nhu cầu. Doanh nghiệp vẫn cần thêm vài chục công nhân thợ lành nghề mới đủ nhân lực.
Theo Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh, những đóng góp của lao động ngoại tỉnh với thành phố là rất lớn. Để khuyến khích người lao động quay trở lại thành phố thì cần có sự hỗ trợ về nơi cư trú để giải tỏa áp lực về chi phí cho họ.
"Trước mắt, chúng tôi mong rằng chúng ta có thể có được những khu lưu trú công nhân để giải tỏa bớt áp lực nhà trọ cho người lao động khu lưu trú mà có thể nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ phía Nhà nước về doanh nghiệp để giảm bớt áp lực về chi phí thuê trọ cho công nhân thì đó là giải pháp trong ngắn hạn có thể suy nghĩ tới" - ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh nói.
Thành phố cần lao động còn ở các tỉnh, người lao động lại cần việc làm. Vì vậy, cho dù còn nhiều khó khăn, rất nhiều người vẫn chọn hành trình ly hương đến thành phố. Với họ, thành phố là nơi có việc làm, có tương lai, có những điều kiện để cuộc sống của họ tốt hơn.
Gói ghém hành trang quay trở lại thành phố làm việc
Hơn 2 tháng nay, vợ chồng chị Võ Kim Chi, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã có cuộc sống bình yên nơi quê nhà sau khi từ TP. Hồ Chí Minh trở về lánh dịch. Dù nhà ba mẹ không dư dả, chỉ trông chờ vào 2 công vườn dừa, nhưng cũng đủ để nuôi 2 đứa con và 2 đứa cháu đang gặp khó khăn vì bệnh dịch.
Quê nhà bình yên, tình cảm ấm áp, nhưng cũng chỉ 1, 2 tuần nữa thôi, chị Chi cùng gia đình nhỏ của mình sẽ lại dời quê để quay lại TP. Ở đó anh chị có công việc ổn định còn các con thì lại đến trường.
Nhiều người về quê, dù là tìm ngay được việc làm nhưng vẫn muốn quay trở lại thành phố. Anh Duy là công nhân làm việc tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Là người có tay nghề nên khi về quê anh có ngay việc làm ổn định với thu nhập tốt. Thế nhưng anh vẫn muốn quay trở lại với nơi làm việc cũ của mình để có điều kiện chăm lo cho vợ con tốt hơn.
Công việc, cuộc sống nơi thành phố là sợi dây níu giữ những lao động ngoại tỉnh trở về lại. Chị Quyên, một dược sỹ làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc Tây ở TP. Hồ Chí Minh cũng sắp phải chia tay bà nội để trở về với công việc của mình.
Quê hương với những người thân yêu, ruột thịt đã dang rộng vòng tay đón những người con trở về. Để rồi sẽ lại bao dung khi các con dời đi vì cuộc sống tốt hơn. Khi nghe công ty làm việc trở lại, chị Quyên đã chuẩn bị gói ghém hành lý sẵn sàng để quay lại thành phố. Với chị, TP. Hồ Chí Minh là nhà, là quê hương thứ hai của mình…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!